Bệnh basedow là gì? Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán bệnh

Ngày đăng: 04-03-2020 18:00:13

Basedow là một bệnh cường giáp do hoạt động quá mức không ức chế được của tuyến giáp dẫn tới tăng sản xuất hormon tuyến giáp, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa.

benh-basedow-la-gi

Hình ảnh minh họa bệnh basedow 

Basedow là nguyên nhân gây cường giáp hay gặp nhất. Là một bệnh tự miễn, có tính chất gia đình, bệnh thường gặp ở phụ nữ, tuổi từ 20-50.

1. Chẩn đoán xác định: 

1.1. Triệu chứng lâm sàng:

  √ Bướu cổ: Bướu lan tỏa, điển hình bướu mạch, đồng nhất, cả hai thùy, di động khi nuốt, không đau, không có dấu hiệu chèn ép.

buou-basedow-ungthutuyengiap.org

Bướu basedow

  √ Biểu hiện mắt:

  - Lồi mắt thực sự một hay hai bên.

  - Co cơ mi với nhiều mức độ khác nhau.

  - Mất đồng vận nhãn cầu mi trên.

  - Phù nề mi mắt, liệt cơ vận nhãn ...

loi-mat-benh-basedow

Mắt lồi nhiều là một biểu hiện quan trọng của basedow 

  √ Dấu hiệu cường giáp:

  - Các dấu hiệu toàn thân: gầy sút dù ăn nhiều ...

  - Tim mạch: Hồi hộp, đánh trống ngực. Nhịp tim nhanh thường xuyên trên 90 chu kì/ phút, tăng lên khi xúc động. Nghe tim có thể có tiếng thổi tâm thu cơ năng do tăng cung lượng.

  - Tiêu hóa: Tăng nhu động ruột, tiêu chảy.

  - Thần kinh – cơ: Run tay, run lan tỏa, ưu thế ngọn chi, nhanh, thường xuyên, tăng khi xúc động. Basedow có thể kèm theo bệnh nhược cơ. Có thể gặp hạ kali máu ở bệnh nhân nam giới, trẻ tuổi, gây liệt hai chi dưới.

  - Tăng nhẹ nhiệt độ da, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi.

  - Rối loạn tâm thần: kích thích, trầm cảm, rối loạn chức năng sinh dục, giảm ham muốn ...

  - Các dấu hiệu khác: Sạm da, rụng tóc, da nóng ẩm, nam giới vú to ...

  √ Phù niêm trước xương chày:

  - Tổn thương màu vàng hay đỏ cam, da sần sùi.

  - Thường đối xứng hai bên, ở vùng cẳng chân hay mu chân.

  - Ấn không lõm, không đau.

1.2. Triệu chứng cận lâm sàng:

  √ Xét nghiệm đặc hiệu:

  - Hormon tuyến giáp FT3, FT4 tăng, TSH giảm (bình thường: FT4 12-22pmol/l; TSH 0,27-4,2µUI/ml).

  - Xét nghiệm kháng thể kháng receptor của TSH (TRAb) tăng.

  √ Xét nghiệm khác:

  - Công thức máu có thể có thiếu máu thiếu sắt, hồng cầu nhỏ hoặc hồng cầu to do thiếu folat hay vitamin B12 hay bệnh Biermer kèm theo.

  - Giảm cholesterol, triglicerid máu.

  - Có thể có hạ kali máu.

  √ Siêu âm tuyến giáp: Tuyến giáp to, lan tỏa, giảm âm, không có nhân.

sieu-am-tuyen-giap-ungthutuyengiap.org

Một ca siêu âm tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội 

  √ Xạ hình tuyến giáp: Cho thấy hình ảnh tuyến giáp lớn hơn bình thường, bắt xạ đều và đồng nhất. Độ tập trung iod phóng xạ tăng

xạ-hình-tuyến-giáp-ungthutuyengiap.org

Một ca xạ hình tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội 

  √ Điện tâm đồ: Thường nhịp nhanh, có thể thấy rung nhĩ, ngoại tâm thu, hình ảnh dày thất trái nếu đã có biến chứng tim mạch.

2. Chẩn đoán phân biệt: 

2.1. Cường giáp do điều trị L-thyroxin:

 - Có tiền sử dùng thuốc L-thyroxin.

 - Không có biểu hiện mắt.

 - Độ tập trung iod phóng xạ ở tuyến giáp thấp.

 - Iod máu, iod niệu tăng.

2.2. Bướu (đơn hoặc đa nhân) độc tuyến giáp:

 - Có dấu hiệu nhiễm độc giáp.

 - Không có biểu hiện mắt.

 - Khám lâm sàng hoặc siêu âm: phát hiện nhân tuyến giáp.

 - Xạ hình có nhân nóng, vùng khác của tuyến giáp không bắt hoạt tính phóng xạ.

2.3. Cường giáp do viêm tuyến giáp bán cấp:

 - Sốt, đau nhiều tại tuyến giáp.

 - Có hội chứng viêm: máu lắng tăng, CRP tăng.

 - Xạ hình độ tập trung iod giảm.

 - Biểu hiện cường giáp thoáng qua, khỏi trong vài tuần, vài tháng.

2.4. Cường giáp do u tuyến yên tiết TSH:

 - Rất hiếm gặp.

 - TSH và FT4 đều tăng.

 - Chụp MRI: phát hiện u tuyến yên.

2.5. Nguyên nhân khác:

 - Cường giáp do mãn kinh.

 - Cường giáp cận ung thư.

Nguồn: Sách: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353