Bệnh K tuyến giáp có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Ngày đăng: 07-06-2020 16:58:19

Khi bị K tuyến giáp, nhiều người lo lắng không biết bệnh có ảnh hưởng đến việc sinh con không? Theo nghiên cứu, K giáp không gây ảnh hưởng nặng đến đường sinh sản nếu được điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu bệnh ở giai đoạn nặng và có biến chứng, người bệnh có thể vô sinh.

K tuyến giáp là gì?

Bệnh ung thư tuyến giáp hay còn gọi là K tuyến giáp là một bệnh ung thư nội tiết, chiếm khoảng 2% tỷ lệ ung thư tại Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp 3 lần nam giới, trong đó, tỷ lệ cao nhất nằm ở nhóm đối tượng phụ nữ từ 20 – 50. Đây cũng là độ tuổi sinh sản của phụ nữ vì vậy nhiều người lo ngại về khả năng sinh sản có ảnh hưởng không khi mắc bệnh.

k tuyến giáp

Nguyên nhân dẫn đến K tuyến giáp là do có sự phát triển bất thường của tế bào trong quá trình phân chia. Từ đó dẫn đến hình thành các tế bào dị tật, lâu dần sinh ra khối u.

Bệnh được chia là 4 loại chính:

- K tuyến giáp thể nhú: là loại K giáp thường gặp nhất, chiếm khoảng 80 – 85% tỷ lệ mắc bệnh. Loại bệnh này thường gặp nhất ở phụ nữ dưới 40 tuổi.

- K giáp thể nang: chiếm khoảng 10% tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh thường gặp đối tượng người cao tuổi.

- K giáp thể tủy: Chiếm khoảng 5% tỷ lệ mắc bệnh, nguyên nhân chủ yếu do di truyền.

- K tuyến giáp thể không biệt hóa: chiếm khoảng 1% tỷ lệ mắc bệnh, là loại ung thư tuyến giáp nguy hiểm nhất, thường gặp ở đối tượng người từ 60 – 80 tuổi.

K tuyến giáp nguy hiểm như thế nào?

Trong các bệnh ung thư thì K tuyến giáp được xếp vào loại bệnh có độ nguy hiểm thấp. Tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, có thể sống trên 5 năm lên tới 97%. Tuy nhiên, nếu để bệnh di căn, tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên. K giáp thường di căn đến các cơ quan như: xương, phổi, gan, tim, mạch máu.... cực kỳ nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu, K giáp không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và gần như không có biểu hiện. Chính vì vậy người bệnh không thể phát hiện được thông qua các triệu chứng lâm sàng. Chỉ đến khi đi khám sức khỏe bệnh mới được phát hiện. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ cảm nhận được sự thay đổi của sức khỏe. Chức năng của một số cơ quan sẽ bị rối loạn, dẫn đến các biểu hiện như: tăng giảm cân nhanh chóng, người mệt mỏi, không có sức,... Khi khối u ác tuyến giáp phát triển lớn gây chèn ép lên các cơ quan xung quanh, người bệnh sẽ cảm nhận rõ hiện tượng khàn tiếng, khó nuốt thậm chí là khó thở.

Tuy bệnh có tiên lượng tốt cùng khả năng điều trị dứt điểm cao, tuy nhiên, K tuyến giáp vẫn có nguy cơ tái phát sau điều trị. Thông thường, tỷ lệ tái phát sẽ dao động từ 5 – 20%. Tỷ lệ bệnh di căn khoảng 10 – 15% nếu không được điều trị sớm. Vì vậy để hạn chế sự nguy hiểm của khối u, người bệnh cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.

Bị K tuyến giáp có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Do đặc trưng của ung thư tuyến giáp là có tỷ lệ bị bệnh ở nữ giới cao hơn ở nam giới, vì vậy người bệnh khá băn khoăn về việc sinh con sau khi điều trị bệnh. Với nam giới, bệnh không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến chức năng sinh sản.

Tuyến giáp là nơi tiết ra hormone T3 và T4. Mặc dù hai loại hormone này không phải hormone đặc trưng của nữ giới nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ sinh dục và chu kỳ kinh nguyệt . Theo các chuyên gia, khi mắc bệnh tuyến giáp, chức năng sinh sản bị ảnh hưởng khá nhiều. Đặc biệt với người bệnh mắc K tuyến giáp, chức năng sinh sản sẽ bị ảnh hướng lớn nếu không được điều trị kịp thời. Nếu bệnh được điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu, chức năng sinh sản không bị ảnh hưởng quá nhiều, người bệnh vẫn có thể sinh con bình thường.

Lưu ý với đối tượng phụ nữ điều trị K tuyến giáp bằng phóng xạ, việc sinh con sẽ bị ảnh hưởng trong 6 tháng đầu sau điều trị. Khi sinh con trong giai đoạn này, tỷ lệ dị tật thai nhi sẽ khá cao. Sau 6 tháng, nếu muốn mang thai người bệnh hãy đến bệnh viện kiểm tra và hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhất.

Người từng điều trị ung thư tuyến giáp khi có thai cần tái khám thường xuyên để được tư vấn sử dụng hormone tuyến giáp đầy đủ cho mẹ và bé. Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, việc bổ sung hormone là vô cùng cần thiết.

Tóm lại, người bệnh K tuyến giáp nếu được điều trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, quá trình mang thai cần có sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Khi thai nhi có dấu hiệu dị tật, cần phải thực hiện biện pháp can thiệp kịp thời.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353