Các biện pháp chẩn đoán và tiên lượng của u tuyến giáp

Ngày đăng: 11-05-2020 17:31:08

U tuyến giáp gồm 2 loại gồm u lành tính và u ác tính. Để phát hiện bệnh kịp thời, tăng thời gian sống, người bệnh cần phát hiện bệnh càng sớm càng tốt. Hiện nay, các phương pháp nhằm chẩn đoán u tuyến giáp ngày càng hiện đại, được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa ung bướu lớn.

U tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, có kích thước lớn, nằm ở khu vực cổ. Đây là tuyến hoạt động liên tục, dễ bị tổn thương do yếu tố bên trong và bên ngoài. Chính vì vậy tuyến giáp là tuyến dễ xuất hiện khối u. Có 2 loại u tuyến giáp: u lành tính và u ác tính:

u tuyến giáp

1. U tuyến giáp lành tính

U tuyến giáp lành tính có tên khoa học là Adenoma. Khối u này phát triển từ lớp tế bào lót mặt trong tuyến giáp. Các khối Adenoma có thể tiết hormone tuyến giáp, gây cường giáp. Khi đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị bệnh. Nếu khối u không ảnh hưởng đến hoạt động tiết hormone, bệnh nhân không cần điều trị.

2. U tuyến giáp ác tính

U tuyến giáp ác tính thường được gọi là ung thư tuyến giáp hay K giáp. Khối u thường xuất hiện dưới dạng các nhân nhỏ bên trong tuyến giáp. Khi thấy các dấu hiệu sau, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán ung thư tuyến giáp:

- Xuất hiện một nhân giáp đơn độc thay vì nhiều nhân

- Xạ hình tuyến giáp cho thấy nhân không hoạt động

- Nhân giáp đặc, không chứa dịch nang

- Nhân giáp cứng, phát triển nhanh, dính vào các tế bào cấu trúc lân cận

- Dây thanh quản bị liệt gây khàn tiếng, mất tiếng.

Hiện nay, có các loại K giáp phổ biến như:

- Ung thư tuyến giáp thể nhú

- Ung thư tuyến giáp thể nang

- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

- Ung thư tuyến giáp thể tủy

Tùy vào loại u tuyến giáp mà biện pháp chẩn đoán và tiên lượng sống sẽ khác nhau.

Các biện pháp chẩn đoán u tuyến giáp

Với công nghệ ngày càng hiện đại, u tuyến giáp hiện nay có thể dễ dàng phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể, có 5 biện pháp giúp chẩn đoán khối u tuyến giáp chính xác nhất gồm:

1. Xét nghiệm máu:

Phương pháp xét nghiệm máu không chỉ giúp phát hiện u tuyến giáp mà còn phát hiện nhiều bệnh khác. Khi phân tích kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ đánh giá được lượng hormon T3, T4 tuyến giáp tiết ra, hàm lượng canxi và photpho trong máu có bình thường hay không, từ đó phát hiện khối u và các bệnh tuyến giáp khác như viêm giáp, suy giáp, cường giáp,....

xet nghiem mau

2. Xạ hình tuyến giáp

Phương pháp này còn có tên gọi khác là scan tuyến giáp. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống hoặc tiêm một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau đó sử dụng scan phóng xạ để quan sát tuyến giáp. Sau một thời gian ngắn đi vào cơ thể, chất phóng xạ sẽ phát ra các tia phóng xạ. Lúc này, camera gamma được sử dụng để xác định lượng phóng xạ các nhân giáp hấp thụ. Nhân giáp lạnh sẽ hấp thụ ít phóng xạ hơn các mô xung quanh, ngược lại nhân giáp nóng sẽ hấp thu lượng phóng xạ lớn.

Chụp xạ hình Chụp xạ hình tuyến giáp với máy SPECT

3. Siêu âm

Phương pháp siêu âm để phát hiện u tuyến giáp là dùng sóng cao tần và vi tính để tái tạo hình ảnh các mạch máu, mô và cơ quan trong tuyến giáp. Siêu âm giúp quan sát hoạt động của nội tạng, đánh giá lưu lượng máu qua các mạch. Khi thấy các hiệu sau, bệnh nhân rất có thể đang mắc u tuyến giáp:

- Tăng sinh mạch máu ở khu vực trung tâm

- Nhân giáp phản ứng kém với sóng âm

- Vôi hóa vỏ bên trong tuyến giáp.

siêu âmSiêu âm tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

4. Phương pháp sinh thiết

Phương pháp sinh thiết là cách lấy mẫu mô bằng cách chọc hút kim nhỏ hoặc lấy mẫu mô khi phẫu thuật để quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp quan sát được sự hiện diện của các tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư. Đây là biện pháp hàng đầu hiện nay để đánh giá nhân giáp với độ đặc hiệu cao trên 90%.

5. Phương pháp chụp cộng hưởng từ và cắt lớp điện toán

Đây là hai phương tiện để đánh giá sự lan rộng của ung thư tuyến giáp. Biện pháp này giúp dễ dàng phát hiện được khối u có di căn sang các bộ phận khác hay không. Chụp cắt lớp điện toán có tiêm thêm chất cản quang iod giúp nhìn rõ hình ảnh của tuyến giáp, đánh giá di căn hạch tốt hơn chụp cộng hưởng từ, chi phí cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, phương pháp chụp cắt lớp điện toán lại không được khuyến khích sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có tiềm ẩn nguy cơ cường giáp. Với trường hợp này, phương pháp chụp cộng hưởng từ được ưu tiên sử dụng hơn. Phương pháp này không cần dùng Iod cản quang, vì vậy độ an toàn cao hơn, không sợ tác dụng phụ của chất phóng xạ.

Tiên lượng của u tuyến giáp hiện nay

So với các loại bệnh u bướu khác, u tuyến giáp là bệnh có độ nguy hiểm thấp, khả năng tiên lượng cao. Cụ thể:

- U tuyến giáp lành tính có khả năng sống sót gần như 100%. Một số trường hợp không cần can thiệp biện pháp điều trị.

- Ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng số trên 5 năm là 95 %, sống trên 10 năm là 90 %.

- K giáp thể nang có tiên lượng sống sót trên 5 năm là 90%, trên 10 năm là 70%.

- K giáp thể tủy có khả năng sống sót trên 5 năm là 90%, trên 10 năm là 86%.

- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường gặp khi K giáp đã ở giai đoạn cuối, không được điều trị trước đó, quá thời gian phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ có thời gian sống sót trung bình khoảng 1 năm.

Các yếu tố nguy cơ làm giảm tiên lượng sống của người bệnh bao gồm: cao tuổi, khối u lớn, khối u di căn ra khỏi tuyến giáp, phẫu thuật thất bại, bệnh lan rộng nhanh không thể kiểm soát, khả năng hấp thụ thuốc của người bệnh kém.

Để nâng cao tiên lượng sống, người bệnh cần được phát hiện khối u tuyến giáp càng sớm càng tốt. Hiện nay, tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, bệnh nhân sẽ được khám và chẩn đoán bệnh bằng các biện pháp hiện đại nhất hiện nay bởi các bác sĩ đầu ngành u bướu của Bộ Quốc phòng. Người bệnh có thể liên hệ đặt lịch khám tại số 0243.855.2353

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353