Cách nhận biết nhân tuyến giáp người bệnh cần biết ngay

Ngày đăng: 21-04-2020 10:49:22

Nhân tuyến giáp là bệnh phổ biến với tỷ lệ người mắc chiếm từ 4 – 7 % dân số thế giới. Trong đó tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 5 lần nam giới và thường gặp nhất ở độ tuổi từ 35 – 55. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm các nhân giáp?

Câu hỏi 1: Nhân tuyến giáp là gì?

Trả lời:

Nhân tuyến giáp hay còn gọi là u tuyến giáp có nhân, bướu nhân tuyến giáp là sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp tạo thành khối u. Các nhân này có hoặc không làm ảnh hưởng chức năng của tuyến giáp tùy thuộc vào kích thước và tính chất của khối u là lành hay ác tính. Mặc dù đa số nhân tuyến giáp thuộc dạng lành tính tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ các nhân giáp chứa tế bào ung thư. Chính vì vậy khi nhận thấy các biểu hiện của nhân tuyến giáp người bệnh cần khám kịp thời để phát hiện u ác tính sớm.

Theo số lượng mà nhân tuyến giáp được chia làm 2 loại: nhân tuyến giáp đơn nhân và nhân tuyến giáp đa nhân. Thông thường người bệnh chỉ có thể sờ thấy các nhân giáp lớn, hiện rõ ở khu vực cổ. Với các nhân giáp nhỏ có đường kính dưới 1 cm chỉ có thể phát hiện thông qua siêu âm. Nhân giáp đa nhân là loại tiến triển âm thầm và khó phát hiện.

nhan tuyen giap

Câu hỏi 2: Nguyên nhân gây bệnh nhân tuyến giáp

Trả lời:

Ngày nay, khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể của việc hình thành các nhân giáp. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh được xác định như sau:

- Yếu tố di truyền: người có tiền sử bị bệnh tuyến giáp hoặc người có các thành viên trong gia đình mắc bệnh nhân giáp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Yếu tố giới tính, độ tuổi: nữ giới có nguy cơ bị bệnh cao hơn nam giới gấp 5 lần và người trong độ tuổi từ 35 -55  có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

- Yếu tố dinh dưỡng: Người ăn nhạt, người không bổ sung hoặc thiếu hụt Iốt trong khẩu phần ăn hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Yếu tố môi trường: Người làm việc trong môi trường phóng xạ, người đã từng trị bệnh bằng phóng xạ, người tiếp xúc với phóng xạ là đối tượng dễ mắc nhân tuyến giáp.

Khi xác định được nguyên nhân cụ thể việc điều trị nhân giáp sẽ hiệu quả hơn.

Câu hỏi 3: Dấu hiệu nhận biết nhân tuyến giáp

Trả lời: 

Theo như nhận xét của các bác sĩ chuyên khoa, khi nhân tuyến giáp mới hình thành và có kích thước nhỏ hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh không thể nào nhận biết được nhân và vị trí của chúng. Chỉ khi bạn khám sức khỏe hoặc siêu âm tuyến giáp thì nhân mới được phát hiện.

Khi nhân tuyến giáp phát triển to lên, người bệnh sẽ cảm thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn. Dưới đây là các triệu chứng điển hình của bệnh nhân tuyến giáp:

+ Có cảm giác khó nuốt khó thở một cách rõ ràng. Đây là biểu hiện của việc nhân tuyến giáp đã phát triển to và chèn vào khí quản và thực quản khiến người bệnh khó thở và khó nuốt kể cả khi không ăn.

+ Sờ thấy khối u ở cổ bởi nhân tuyến giáp đã phát triển thành khối u, có kích thước lớn, gây tắc nghẽn ở cổ.

+ Huyết áp lên xuống thất thường, người lừ đừ mệt mỏi không có sức. Điều này là do các nhân tuyến giáp làm ảnh hưởng đến hoạt động tiết hormone ở tuyến này. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: tâm trạng hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, tim đập nhanh, mất ngủ, xuống cân, đổ mồ hôi nhiều, sợ lạnh…

+ Khàn tiếng, khó phát âm do khối bướu tuyến giáp to lên chèn ép dây thanh quản, gây tổn thương dây thần kinh ngôn ngữ.

Câu hỏi 4: Cách xác định nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính

Trả lời:

Nhân tuyến giáp có hai loại: nhân giáp lành tính và nhân giáp ác tính. Với nhân giáp lành tính người bệnh không cần quá lo ngại bởi việc điều trị diễn ra khá dễ dàng và không gây nguy hại nhiều với sức khỏe. Tuy nhiên, khi nhân tuyến giáp được xác định là ác tính, việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều. Nguy hiểm hơn, nhân giáp ác tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ trở thành K giáp cực kỳ nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Hiện nay, phương pháp được áp dụng để xác định nhân tuyến giáp ác tính hay lành tính là phương pháp chọc kim lấy mẫu. Một đầu kim nhỏ sẽ được chọc vào nhân tuyến giáp, lấy mẫu tế bào và soi dưới kính hiển vi. Độ chính xác của phương pháp này gần như là tuyệt đối.

choc te bao

Chọc hút tế bào dưới hướng dẫn siêu âm tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Có thể thấy nhân tuyến giáp không phải là bệnh nguy hiểm và có thể nhận thấy dễ dàng khi bạn chú tâm hàng ngày. Tuy nhiên, để xác định bệnh cũng như đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời bạn nên khám sức khỏe định kỳ thường xuyên từ 6 – 12 tháng một lần. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353