Điều trị Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa như thế nào?

Ngày đăng: 27-02-2020 17:45:09

Các phương pháp điều trị chính trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bao gồm: phẫu thuật, điều trị bằng I-131, điều trị ức chế TSH. Để việc điều trị có hiệu quả tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sỹ chuyên ngành ung thư, các phẫu thuật viên và các bác sỹ y học hạt nhân.

1. Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật trong ung thư tuyến giáp (k giáp) thể biệt hóa có nhiều quan điểm khác nhau. Khuyến cáo cho điều trị bước đầu với ung thư tuyến giáp biệt hóa là phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn tuyến giáp trừ các trường hợp ung thư biệt hóa thể ẩn hoặc là ung thư thể nhú kích thước nhỏ và khu trú tại 1 thùy tuyến giáp. Phẫu thuật cắt gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn tuyến giáp là cần thiết nếu có chỉ định điều trị với 131I.

Trước kia các ung thư tuyến giáp biệt hóa được phẫu thuật vét hạch cổ triệt để, ngày nay thay thế bằng kĩ thuật vét hạch biến đổi, chỉ lấy những hạch di căn. Các vị trí hạch di căn được lấy bỏ gồm: hạch cổ, chuỗi hạch cảnh, hạch cạnh khí quản, hạch trung thất trên.

Một ca phẫu thuật tuyến giáp

Một ca phẫu thuật tuyến giáp tại Khoa Điều trị/ Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Các biến chứng sau phẫu thuật gồm có: liệt dây thần kinh quặt ngược (tạm thời hoặc vĩnh viễn), suy tuyến cận giáp, chảy máu sau mổ, rò dịch dưỡng chấp sau mổ.

Theo NCCN 2018, các trường hợp sau được chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ:

- Ung thư tuyến giáp thể nhú có đầy đủ các đặc điểm sau: Mô bệnh học là thể nhú điển hình (không áp dụng với các biến thể của thể nhú): khối U≥4 cm, có xâm lấn ra ngoài tuyến giáp (T3), di căn hạch, di căn xa, khối u ở cả 2 thùy tuyến giáp, mô bệnh học là thể kém biệt hóa, có tiền sử chiếu xạ. Các trường hợp còn lại có thể xem xét cắt thùy và eo tuyến giáp.

- Ung thư tuyến giáp thể nang, thể tế bào Hurthle có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp vét hạch cổ trong hầu hết các trường hợp trừ các trường hợp xâm nhập mạch tối thiểu (1-4 ổ xâm nhập mạch) hoặc dạng Ung thư tuyến giáp thể nang không xâm lấn với các đặc điểm nhân giống thể nhú (NIFTP).

Mổ tuyến giáp tuyến giáp có nguy hiểm không?

Phẫu thuật cắt giáp gần hoàn toàn hay hoàn toàn có những ưu điểm :

+ Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể dùng I-131 điều trị hủy mô giáp sót, điều trị di căn hạch vùng và di căn xa.

+ Sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp có thể dùng xét nghiệm Thyroglobulin như một chất chỉ điểm theo dõi sự tái phát, di căn của Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

+ Giảm khả năng chuyển từ Ung thư tuyến giáp biệt hóa sang Ung thư tuyến giáp không biệt hóa.

2. Điều trị bằng I-ốt phóng xạ

Điều trị bằng I-131 được chỉ định chủ yếu cho các trường hợp Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (bao gồm thể nhú, thể nang và thể hỗn hợp nhú nang). Đây là loại mà các tế bào ung thư có khả năng hấp thu i-ốt như tế bào tuyến giáp lành nên có thể dùng I-131 để chụp xạ hình chẩn đoán, điều trị và theo dõi kết quả điều trị.

Bệnh nhân xếp hàng uống I-131

Bệnh nhân xếp hàng uống I-131 tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

+ Tác dụng: điều trị bằng I-131 sau phẫu thuật ở bệnh nhân Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có ba tác dụng:

- Loại bỏ phần tổ chức tuyến giáp còn sót sau phẫu thuật bao gồm cả tác dụng diệt những ổ ung thư rất nhỏ mà chúng ta không thể phát hiện được trên lâm sàng và xét nghiệm.

- Tạo điều kiện cho việc theo dõi sự tiến triển của bệnh bằng định lượng thyroglobulin huyết thanh.

- Điều trị những ổ di căn ung thư tại các tổ chức hạch, phổi, xương...

+ Liều điều trị:

Có nhiều cách tính liều nhưng phương pháp dùng liều cố định được sử dụng rộng rãi do dễ sử dụng và an toàn.

- Liều loại bỏ mô giáp sót: 30-100 mCi

- Khi bệnh đã có di căn vùng liều cho là: 125-150mCi

- Khi bệnh đã có di căn xa liều cho là 150 - 200mCi.

- Trẻ em dùng liều 1 mCi /kg thể trọng

Tổng liều có thể tới 1200 -1500 mCi.

Điều trị bằng I-131 lần đầu được thực hiện sau mổ 4-6 tuần khi TSH ≥ 30µIU/l.

3. Điều trị hormon thay thế

Tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp, sau khi được cắt gần toàn bộ hay toàn bộ tuyến giáp đều cần dùng các chế phẩm hormon tuyến giáp thay thế (levothyroxin hoặc liothyronin). Với các bệnh nhân Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, liều hormon tuyến giáp có thể dùng cao hơn (100-200 µg/ngày) với mục đích ức chế TSH.

Liệu pháp ức chế TSH (thyrotropin suppressive therapy) là dùng levothyroxine với liều cao hơn nhu cầu sinh lý để ức chế sự sản xuất TSH của tuyến yên. Sự ức chế này đạt được thông qua cơ chế feedback của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến giáp.

Trong bệnh Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa người ta đã chứng minh các tế bào phát triển nhanh và có sự tăng hoạt tính men adenylate cyclase do sự kích thích của TSH lên thụ cảm thể. Vì vậy, TSH được coi như là yếu tố phát triển (growth factor) với các tế bào u còn lại sau phẫu thuật và điều trị I-131. Levothyroxin được dùng cho bệnh nhân Ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật cắt giáp toàn bộ, vào khoảng thời gian giữa các đợt điều trị I-131 và khi bệnh nhân đã xóa sạch mô giáp sót. Mục đích của liệu pháp hormon là thay thế hoạt động của tuyến giáp đã cắt bỏ và ức chế TSH, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư có nguồn gốc từ tuyến giáp. Với vai trò một liệu pháp điều trị kết hợp, hormon tuyến giáp thay thế có tác dụng giảm tỷ lệ tái phát và tăng thời gian sống thêm ở bệnh nhân Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353