HỎI ĐÁP: Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Ngày đăng: 26-06-2020 07:25:06

Câu hỏi của bệnh nhân: Thưa bác sĩ, tôi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu nên đang rất lo sợ. Tôi thắc mắc ung thư tuyến giáp có chữa được không ạ và có cách nào giúp kéo dài thời gian sống không? Rất mong được bác sĩ giải đáp!

BÁC SĨ GIẢI ĐÁP: UNG THƯ TUYẾN GIÁP CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư sinh ra từ tế bào trong tuyến giáp có sự bất thường trong quá trình phân chia. Đây là bệnh ung thư tuyến nội tiết phổ biến nhất, chiếm khoảng 2% tỷ lệ mắc bệnh ung thư tại Việt Nam. Bệnh có tỷ lệ mắc ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới, chủ yếu ở đối tượng phụ nữ trên 40 tuổi. So với các bệnh ung thư khác, K giáp có tiên lượng sống tốt hơn rất nhiều cùng khả năng điều trị cao. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tâm lý, sinh hoạt của người bệnh mà tỷ lệ chữa khỏi sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có chữa được không?

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bao gồm: ung thư tuyến giáp thể nhú, K giáp thể nang, K giáp thể tủy. Tại Việt Nam, có tới 95% ung thư tuyến giáp thuộc thể biệt hóa. PGS.TS Ngô Thanh Tùng – giám đốc Trung tâm Xạ trị Quốc gia cho biết: “Bệnh ung thư tuyến giáp có khả năng điều trị khỏi khá cao, khoảng 95%. Đã có trường hợp bệnh di căn phổi vẫn sống được 5 – 6 năm, đây là một kết quả tốt”.

Nhìn chung đây là dạng ung thư ít nguy hiểm, có tỷ lệ sống cao phù thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh. Cụ thể tiên lượng sống của các giai đoạn K giáp biệt hóa như sau:

+ Giai đoạn I: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%.

+ Giai đoạn II: Tỷ lệ sống trên 5 năm từ 98 – 100%.

+ Giai đoạn III: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 71 – 93%.

+ Giai đoạn IV: Tỷ lệ sống trên 5 năm là 28 – 51%.

Đa số bệnh nhân được phát hiện trong 3 giai đoạn đầu, vì vậy tỷ lệ tử vong khá thấp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người mắc bệnh.

ung thư tuyến giáp

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa phổ biến nhất hiện nay là sử dụng phóng xạ Iod 131. Tùy vào loại ung thư tuyến giáp cũng như giai đoạn phát hiện bệnh, tình trạng sức khỏe và tuổi tác của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp phổ biến trong điều trị K giáp thể biệt hóa hiện nay bao gồm:

- Phẫu thuật mổ tuyến giáp: có thể cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Điều này nhằm loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, ngăn việc di căn. Nếu ung thư lây lan đến hạch bạch huyết quanh tuyến giáp thì bộ phận này cũng được chỉ định cắt bỏ.

- Xạ trị với Iốt phóng xạ I-131 nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình phẫu thuật.

- Nội tiết trị liệu: Bổ sung hàm lượng hormon T3 và T4 thiếu hụt sau phẫu thuật và xạ trị.

- Xạ trị bên ngoài: bằng cách sử dụng các bức xạ Ion hóa sẽ tiêu diệt tế bào ung thư.

- Hóa trị: dùng thuốc hóa học liều cao nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.

- Điều trị trúng đích: chỉ tác động đến tế bào ung thư, không tiêu diệt các tế bào lành tính. Đây là phương pháp điều trị được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị người bệnh cần thăm khám 3 lần/ năm trong hai năm đầu và 1 lần/ năm trong những năm tiếp theo nhằm kiểm tra khối u còn tồn tại hay không.

2. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa chữa được không?

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa chiếm từ 5 – 10% tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện rõ rệt là xuất hiện khối u ở cổ kèm theo sự sưng lên bất thường của các hạch bạch huyết. K giáp không biệt hóa thường có nguyên nhân lớn nhất do di truyền. Khi xét nghiệm, bệnh nhân cho kết quả Calcitonin tăng cao. Các triệu chứng lâm sàng của K giáp không biệt hóa bao gồm: đau đầu, tiêu chảy kéo dài. Khi khối u lớn chèn ép các bộ phận xung quanh tuyến giáp sẽ gây cảm giác nghẹn, ho, khó thở và khó nuốt. Bệnh có thời gian tiến triển chậm và khó phát hiện. Đây là dạng bệnh K giáp nguy hiểm nhất với tiên lượng sống tối đa thường chỉ ở mức 5 – 10 năm.

Tuy có tiên lượng thấp nhưng nếu điều trị sớm bệnh ung thư tuyến giáp không biệt hóa cũng mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để điều trị bệnh là phẫu thuật kết hợp hóa trị. Các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phải cắt hoàn toàn tuyến giáp cùng các hạch bạch huyết bị tổn thương xung quanh vùng cổ. Sau đó bệnh nhân sẽ được hóa trị bằng cách tiêm trực tiếp thuốc hóa học liều cao vào máu thông qua tĩnh mạch. Phương pháp này thường có nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể như: lão hóa, rụng tóc, sức đề kháng suy giảm. Phương pháp điều trị bằng phóng xạ I131 với u giáp ác tính không biệt hóa không có hiệu quả.

LỜI KHUYÊN TỪ BÁC SĨ GIÚP KÉO DÀI THỜI GIAN SỐNG KHI MẮC K GIÁP

Khi mắc bệnh ung thư tuyến giáp, để kéo dài thời gian sống cũng như tăng cường sức khỏe, bệnh nhân cần thực hiện các lời khuyên sau từ bác sĩ:

Thứ nhất, hạn chế chất béo, ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học sẽ có tỷ lệ như sau: Rau củ quả > chất đạm > tinh bột> chất béo và đường. Thói quen ăn uống này sẽ giúp sức khỏe của bạn tăng cường rõ rệt, làn da cũng trở nên đẹp hơn. Đặc biệt lưu ý về chất béo không bão hòa – đây là chất có thể khiến ung thư tái phát. Hãy tránh xa đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, mì gói,... để bảo vệ sức khỏe của bạn. Ngoài ra, bạn cần tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,....

Thứ hai, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý: Khi cân nặng của bạn quá mức cho phép, lượng mỡ trong cơ thể quá nhiều sẽ sản sinh ra nhiều bệnh tật. Để phòng bệnh, hãy tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, lượng mỡ nội tạng và mỡ cơ thể giảm xuống. Tuy nhiên, bạn không cần tập các bài nặng và quá sức, hãy tập nhẹ nhàng vừa đủ để bảo vệ xương khớp của bạn.

Thứ ba, chỉ chụp X - quang khi thực sự cần thiết: Việc chụp X-quang sẽ khiến cơ thể bạn tiếp xúc trực tiếp với tia bức xạ. Các loại tia này sẽ tác động trực tiếp đến tế bào, tăng khả năng ung thư tái phát. Vì vậy hãy hạn chế hết mức có thể việc chụp chiếu bạn nhé!

chụp xquang

Thứ 4, thường xuyên tái kiểm tra ung thư tuyến giáp: đây là phương pháp được chỉ định với tất cả bệnh nhân sau điều trị. Việc tái kiểm tra sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tuyến giáp sau điều trị, phát hiện kịp thời nếu khối u tái phát để có phương pháp điều trị thích hợp. Không có gì đảm bảo sau điều trị khối u của bạn sẽ biến mất hoàn toàn, vì vậy đừng quên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

KẾT LUẬN: Trên đây là câu trả lời của bác sĩ về thắc mắc: “Ung thư tuyến giáp có chữa được không?”. Có thể thấy bệnh K giáp hoàn toàn có thể chữa khỏi, tiên lượng sống cao khi bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như phát hiện sớm nhất ung thư tuyến giáp, hãy khám sức khỏe định kỳ từ 6 – 12 tháng/ lần. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353