Năm biến chứng thường gặp sau phẫu thuật ung thư vú

Ngày đăng: 12-04-2020 17:42:09

Theo Bộ Y tế, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%). Mỗi năm Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội tiếp nhận một lượng bệnh nhân tương đối lớn có các bệnh lý về tuyến vú đến khám, tầm soát, sàng lọc ung thư, trong số đó có một lượng bệnh nhân mắc ung thư vú phải phẫu thuật. Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, vét hạch nách thường có những biến chứng sau:

1. Khối máu tụ:

        Đặt dẫn lưu sau mổ có thể ngừa được tụ dịch và máu ở vùng thấp vết mổ trong một số ít trường hợp khối máu tụ hình thành do chảy máu nhanh hay tắc ống dẫn lưu. Khối máu tụ sẽ làm căng vạt da và dễ dính với tổ chức bên dưới. Đây là những trường hợp rất hiếm xảy ra; khi bệnh nhân phát hiện thấy hiện tượng này nên báo cho bác sỹ phẫu thuật biết  khi đó bệnh nhân sẽ được băng ép; điều chỉnh lại dẫn lưu; nếu vẫn không hết thì bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng mổ gây mê hoặc gây tê tại chỗ lấy hết máu tụ và đặt lại dẫn lưu; khi ra viện sẹo mổ vẫn tốt.

Rạch da để cắt toàn bộ tuyến vú

        Bệnh nhân đang ở thì rạch da để cắt toàn bộ tuyến vú

2. Tụ dịch bạch huyết

           Tụ bạch huyết dưới da là một trong những biến chứng thường gặp ở cắt bỏ tuyến vú và vét hạch nách, nếu không được phát hiện sớm, vạt da sẽ căng phồng. Khi vét hạch nách, phần lớn các ống bạch huyết bị cắt ngang và dịch hạch huyết sẽ tràn vào vết mổ. Người ta có thể phòng ngừa bằng việc khâu các mô mỡ ở vùng nách trong quá trình phẫu thuật. Vận động cánh tay sớm sau mổ cũng làm chảy dịch bạch huyết, vì vậy chỉ nên vận động bình thường sau khi rút ống dẫn lưu. ống dẫn lưu ngay sau mổ thường chứa máu và dịch, dịch này vẫn tiếp tục tích lũy sau khi rút dẫn lưu do vậy vẫn còn tụ dịch sau mổ, có một số trường hợp bệnh nhân phải chọc hút dịch sau mổ, đôi khi dịch đọng hàng tháng; mức độ đọng dịch liên quan đến thời điểm rút dẫn lưu, để khắc phục điều này các bệnh nhân được mổ tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đều được phẫu thuật viên xem xét rút ống dẫn lưu ở thời điểm thích hợp sau mổ.

Tuyến vú được cắt bỏ

Tuyến vú được cắt bỏ khỏi thành ngực tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội 

3. Đau dây thần kinh

         Mất cảm giác ở nửa trên cánh tay có thể gặp sau cắt vú. Đau dây thần kinh thường xuất hiện ngay lập tức và có nhiều mức độ khác nhau từ cảm giác tê rần như kiến bò ở đầu ngón tay đến mất cảm giác cánh tay hoàn toàn, nguyên nhân là ở vùng nách có rất nhiều nhánh thần kinh chi phối vận động và cảm giác đến vùng ngực, cánh tay và sau lưng, những nhánh  thần kinh này có thể tổn thương tạm thời sau khi vét hạch nách và sẽ hồi phục sau mổ trong vòng 1-2 tháng.

4. Phù bạch mạch cánh tay

         Phù bạch mạch  trong bệnh lý tuyến vú  rất hay gặp ở bệnh nhân được điều trị phẫu thuật kết hợp tia xạ vùng hố nách. Khi kết hợp cả 2 phương pháp, tỉ lệ phù thay đổi từ 6% đến 48%  trường hợp. Nếu chỉ cắt bỏ khối u đơn thuần tỉ lệ phù bạch mạch chỉ 6%. Tỷ lệ phù tăng lên  khi nạo vét hạch và tia xạ được thực hiện. Sinh thiết hạch lính gác và tia xạ, tỷ lệ phù tăng đến 23%. Nếu bệnh nhân được nạo hạch nách  kèm xạ trị , tình trạng bệnh lý hạch limpho cũng có thể ảnh hưỏng đến sự tiến triển của phù bạch mạch (khi hạch âm tính tỷ lệ phù  là 35% ,khi hạch dương tính tỷ lệ phù là 48%). Các yếu tố như chỉ số BMI, vị trí khối u ở  ¼ trên ngoài, nạo hạch mức độ 2 hoặc nhiễm trùng vết mổ sau sinh thiết hạch lính gác cũng được coi là những nguy cơ  gây phù bạch mạch. Những bệnh nhân dưới 60 tuổi có tỷ lệ phù bạch mạch cao hơn bệnh nhân trên 60 41,2 % so với 30,6%. Khoảng 15% bệnh nhân có cỡ ngực mức độ A hoặc B và khoảng  48% bệnh nhân có cỡ ngực C, D hoặc DD sẽ bị phù bạch mạch. Trong thời gian gần đây Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đang tập trung nghiên cứu nhằm giảm tỷ lệ phù bạch mạch trong điều trị ung thư vú.

Vét hạchSố lượng hạch

Diện vét hạch và số lượng hạch nách được vét

5. Nhiễm trùng vết mổ

     Trong các nghiên cứu gần đây  tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ thường chiếm 4 - 18% ở bệnh nhân cắt vú có vét hạch để giảm tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ Viện chúng tôi thường xuyên nâng cao và đẩy mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chính vì vậy đã hạn chế tối đa tỷ lệ nhiễm khuẩn < 1%. Nhiễm trùng làm bệnh nhân khó chịu, da tại rìa vết mổ ửng đỏ và kèm theo sốt, có thể xuất hiện hoại tử vạt da muộn làm toét vết mổ. Ngay từ khi có dấu hiệu đỏ da phải điều trị kháng sinh liều cao sớm, nếu có mủ phải mở rộng vết mổ và làm sạch vết thương, có trường hợp phải khâu da kỳ 2.

         Trên đây là một số biến chứng thường gặp sau phâũ thuật và trong quá trình điều trị ung thư vú nhằm giúp bệnh nhân và gia đình nắm bắt để phối hợp với đội ngũ chuyên môn nhằm giảm tối đa tỷ lệ biến chứng nêu trên.

Theo BSCKII Nguyễn Đức Công, Chủ nhiệm Khoa Điều trị/ Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353