Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng và biện pháp dự phòng

Ngày đăng: 27-11-2020 09:41:17

Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2012 Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ mắc mới, đứng hàng thứ 4 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng và một số biện pháp dự phòng bệnh hiệu quả.

1. Các yếu tố nguy cơ gây Ung Thư Đại Trực Tràng (UTĐTT)

1.1. Các yếu tố môi trường

Chế độ ăn quá nhiều chất béo cùng chất đạm động vât, ít chất xơ, ít hoa quả tươi làm tăng khả năng mắc bệnh.

Ăn nhiều thịt đỏ

Việc ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt chó, thịt dê,... sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân là do các loại thịt đỏ khi được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ làm sản sinh ra các acid amin dị vòng HCAs và PAHs. Các Acid Amin này sẽ phản ứng với protein, creatinin, đường,.... phát sinh thành các biểu mô bất thường hình thành nên ung thư.

thịt đỏ

Ăn nhiều thực phẩm muối, lên men

Thực phẩm muối, lên men thường xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày. Chúng giúp bữa ăn ngon miệng hơn, chống ngán. Tuy nhiên, các loại thực phẩm muối chua như kim chi, dưa muối, cà muối,... nếu không được muối kỹ sẽ chứa rất nhiều muối nitrit. Chúng sẽ kết hợp với các amin bậc 2 trong thực phẩm và biến đổi thành nitrosamin có khả năng gây ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn

Đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn ngày càng phổ biến trong cuộc sống bởi chúng tiện lợi, ngon miệng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống bận rộn. Tuy nhiên, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn chưa bao giờ có lợi có sức khỏe. Trong các loại thực ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,... có hàm lượng natri nitrit rất cao. Đây là chất độc gây nên các bệnh về tiêu hóa, trong đó có ung thư đại trực tràng.

- Bia, rượu, thuốc lá: Đồ uống có cồn có thể yếu tố thuận lợi cho khối u đại trực tràng (ĐTT) hình thành và phát triển thông qua nhiều cơ chế trực tiếp lẫn gián tiếp. Rượu ethanol có thể gây ra sự tăng sản của tế bào dẫn đến việc hình thành các khối u.

Rượu, bia, thuốc lá không chỉ là thủ phạm gây nên ung thư đại trực tràng mà còn liên quan đến rất nhiều bệnh ung thư khác. Trong thuốc lá có chứa hơn 7000 chất độc hại, trong đó có 69 chất gây ung thư ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc và người hít phải khói thuốc. Người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng cao gấp nhiều lần nếu kèm theo thói quen thường xuyên uống rượu bia.

- Ít hoạt động thể lực và béo phì: Mạch chậm lúc nghỉ ngơi có liên quan tỉ lệ nghịch với UTĐTT (mạch chậm – nguy cơ UTĐTT cao hơn). Những phát hiện này giúp giải thích sự tăng tỉ lệ mắc UTĐTT ở nhóm định cư tại thành phố và nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ của hoạt động thể lực và cân bằng năng lượng âm vẫn chưa rõ ràng.

Béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như: gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.... và ung thư đại trực tràng. Người bệnh béo phì có nồng độ insulin và cholesterol trong máu cao. Điều này khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch cũng tăng, làm giảm khả năng tiêu diệt tế bào gây hại, tăng nguyên cơ hình thành các tế bào đột biến. Mặt khác, insulin tăng cao sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và tăng sinh tế bào ung thư trong cơ thể.

1.2. Những tổn thương tiền UTĐTT

Viêm loét đại tràng chảy máu

Viêm loét đại tràng kéo dài hay còn gọi là viêm loét đại tràng mãn tính là tình trạng viêm đại tràng kéo dài trên 3 tháng và thường xuyên lặp đi lặp lại. Bệnh ở trường hợp nhẹ chỉ ở dạng xung huyết, viêm dợt ít triệu chứng. Bệnh ở mức độ nặng hơn sẽ xuất hiện các cơn đau, chảy máu đường ruột, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

viêm loét đại tràngNếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ gây ra các vết loét ngày càng sâu và lan rộng, ăn sâu vào niêm mạc đại tràng. Từ các vết loét này tế bào ung thư sẽ dần dần phát triển, hình thành nên các khối u trong thành đại tràng. Ngoài ra, viêm loét đại tràng mãn tính không điều trị sớm cũng là nguyên nhân gây suy nhược cơ thể, giãn đại tràng, thủng đại tràng, teo đét niêm mạc....

Polyp đại tràng

Polyp đại tràng là một khối các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng tạo thành khối u. Hầu hết các Polyp đại tràng là khối u lành tính, vô hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, một số Polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư, gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời. Theo như nghiên cứu, Polyp có kích thước trên 2 cm và có tuổi từ 10 – 15 năm có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Số lượng Polyp càng nhiều thì khả năng phát triển thành ung thư càng cao.

Bất cứ ai cũng có thể xuất hiện Polyp đại tràng. Bệnh thường không có triệu chứng khiến người bệnh không thể phát hiện. Để phát hiện bệnh người bệnh chỉ có cách tầm soát thường xuyên bằng phương pháp nội soi đại tràng. Nếu được phát hiện sớm, các Polyp có thể cắt bỏ an toàn. Đây cũng là một bước quan trọng giúp bạn tầm soát ung thư đại tràng.

Bệnh Crohn

Bệnh Crohn là bệnh viêm đường ruột với các triệu chứng như: đại bụng, tiêu chảy kéo dài và trầm trọng, mệt mỏi, giảm cân, suy dinh dưỡng. Tình trạng viêm do bệnh gây ra sẽ lấn sâu vào các lớp mô ruột dẫn đến cảm giác đau đớn cho người bệnh. Người bệnh phải chịu cơn đau kéo dài kèm theo tình trạng tiêu chảy sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, thậm chí là tử vong vì kiệt sức. Bệnh không có biện pháp điều trị dứt điểm nhưng nếu được điều trị đúng cách sẽ làm giảm các triệu chứng. Nếu để bệnh kéo dài không điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc ung thư.

Bệnh Crohn Bệnh Crohn

Yếu tố di truyền

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết "Trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền phải kể đến ung thư đại trực tràng. Đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, tuy nhiên đã tìm ra một số nhóm yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh, trong đó có hội chứng di truyền".

Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng do yếu tố di truyền có liên quan đến gen khoảng 5% với hai hội chứng chính thường gặp.

- Hội chứng Lynch tức là ung thư đại trực tràng di truyền không phải đa Polyp có thể gặp ở đại tràng (Lynch I) hoặc có thể u ở nhiều vị trí như buồng trứng, dạ dày, nội mạc tử cung...(Lynch II) . Hội chứng này gây ra 2 -  4% tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng. Đây là sự di truyền khiếm khuyết ở gen MNH1 hoặc MSH2. Ngày nay, có thể xét nghiệm gen để khẳng định người bệnh có mặc hội chứng Lynch hay không.

- Hội chứng đa Polyp có tính chất gia đình. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do đột biến gen APC di truyền trực tiếp từ bố mẹ sang con. Nó chiếm khoảng 1% tỷ lệ mắc bệnh.

- Hội chứng di truyền UTĐTT không polyp (HNPCC: Hereditary Nonpolypsis Colorectal Cancer) có tính chất gia đình được định nghĩa: khi có ít nhất một họ hàng bậc 1 ( ruột thịt) mắc UTĐTT dưới 50 tuổi và trong hai thế hệ nối tiếp.

- Các hội chứng di truyền khác như: hội chứng Peutz- Jeghers ( di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường. Bệnh nhân có nhiều polyp ở ống tiêu hóa kèm theo các vết sắc tố ở da, niêm mạc miệng); Hội chứng Gardner ( gồm đa polyp kèm theo u bó sợi); Hội chứng Li – Fraumeni do đột biến dòng mần gen TP53 biểu hiện bằng sự phát triển ung thư nhiều vị trí ở trẻ nhỏ và những người trưởng thành trẻ tuổi.

2. Các biện pháp dự phòng Ung thư đại trực tràng (UTĐTT)

Chế độ dinh dưỡng: nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo làm giảm nguy cơ UTĐTT. Một số khuyến cáo gần đây cho rằng mỗi ngày dùng 2 ly cafe, các thuốc như aspirin... cũng làm giảm nguy cơ UTĐTT.

Hóa trị dự phòng: mục đích để đảo ngược quá trình sinh ung thư trước khi chúng phát triển đến giai đoạn có triệu chứng. Đối tượng hướng tới điều trị hóa trị dự phòng là những người có nguy cơ mắc UTĐTT cao ( xem bài sàng lọc UTĐTT). Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi và chưa có kết quả cụ thể.

Điều trị dự phòng các tổn thương tiền ung thư:

 + Nội soi ĐTT cắt polyp (Thực hiện từ tuyến tỉnh trở lên)

 + Phẫu thuật mở cắt polyp (Thực hiện từ tuyến tỉnh trở lên): áp dụng cho những polyp lớn, chân rộng nguy cơ chảy máu nhiều, thủng khi cắt qua nội soi.

 + Cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ đại tràng (Thực hiện tại tuyến trung ương) với các trường hợp đa polyp ĐTT gia đình (FAP) với số lượng polyp dày đặc.

 + Điều trị viêm đại tràng chảy máu và bệnh Crohn: theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị cắt đoạn đại tràng khi có biến chứng: thủng ĐTT, phình giãn đại tràng nhiễm độc, chảy máu ồ ạt điều trị nội khoa thất bại, ung thư hóa hoặc di sản mức độ nặng.

                                                                                        Ths Bs Nguyễn Thị Giang Oanh

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353