Những điều cần biết về ung thư dạ dày

Ngày đăng: 21-04-2020 10:24:58

Ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm và khó phát hiện được sớm. Do đó việc bạn chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh là vô cùng quan trọng. Nếu bạn đang quan tâm đến bệnh lý này hãy cùng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Tổng quan về ung thư dạ dày:

Ung thư dạ dày được các chuyên gia đánh giá là ít gặp hơn so với một số bệnh lý khác như ung thư gan hay ung thư phổi. Tuy nhiên đây lại là bệnh lý khó chẩn đoán nhất và gây nên nhiều mối nguy hiểm nhất cho sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của dạ dày. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm các tế bào ung thư sẽ nhanh chóng lan sang các cơ quan khác của cơ thể. Đặc biệt là các cơ quan lân cận như thực quản, phổi, hạch bạch huyết hay gan.

Thống kê từ một số nghiên cứu cho thấy, trên thế giới mỗi năm có khoảng 800.000 người tử vong do bệnh lý này. Đây là một con số không hề nhỏ cho thấy được mức độ nguy hiểm của bệnh. Nguyên nhân là vì các triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện sớm. Đa phần bệnh chỉ được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác. Điều này khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn và hiệu quả không cao.

ung thư dạ dày

Chính vì vậy việc trang bị những kiến thức cơ bản về ung thư dạ dày là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Chỉ có vậy bạn mới có thể nhận biết, phát hiện bệnh được sớm. Từ đó điều trị bệnh được ở giai đoạn đầu, mang lại hiệu quả tốt nhất.

2. Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày:

Bệnh lý này thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng của bệnh sẽ không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Bởi vậy, rất khó có thể phát hiện bệnh được sớm. Một số dấu hiệu nhỏ có thể gặp phải là:

  • Hay bị khó tiêu, ợ chua.
  • Cảm giác ăn không ngon nhất là khi ăn thịt.

Tuy nhiên những dấu hiệu này thường không được người bệnh để ý. Hoặc đa phần nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở dạ dày. Các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên rõ ràng khi tế bào ung thư đã bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Bị đầy bụng và thấy khó chịu vùng thượng vị.
  • Có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
  • Hay bị táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Sau khi ăn luôn có cảm giác đầy bụng dù bạn ăn ít hay nhiều.
  • Cân nặng bị sụt không rõ nguyên nhân.
  • Cơ thể suy yếu và luôn có cảm giác mỏi mệt.
  • Bị nôn ra máu hoặc đi đại tiện lẫn máu trong phân.
  • Khó nuốt, khó ăn uống.

triệu chứng ung thư dạ dày

Một số triệu chứng ung thư dạ dày

Mặc dù các triệu chứng này khá rõ ràng nhưng nó giống với các bệnh lý khác như virus dạ dày, loét dạ dày, viêm ruột dạ dày.... nên dễ dẫn đến chẩn đoán sai hoặc nhầm lẫn. Bởi vậy nên để phát hiện bệnh sớm và chẩn đoán được chính xác khi có những dấu hiệu này bạn nên đến những cơ sở uy tín có bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc ung bướu để kiểm tra.

3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư dạ dày:

Bệnh ung thư dạ dày xuất phát từ nhiều yếu tố, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất.

Do bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP):

Nhiễm khuẩn HP được cho là nguyên nhân của hầu hết các loại ung thư dạ dày, chiếm đến 65 – 80% các ca ung thư dạ dày. Loại vi khuẩn này dễ dàng lây nhiễm qua việc dùng chung bát đũa, cốc chén.... Vi khuẩn HP gây nên tình trạng viêm loét dạ dày và dẫn đến bệnh ung thư.

Do chế độ ăn uống:

Nếu bạn thường xuyên ăn quá mặn, đặc biệt là ăn quá nhiều dưa cà muối, ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh... sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Bởi vì nó thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP dẫn đến viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó việc bạn ăn quá nhanh, không nhai kỹ thức ăn sẽ khiến cho thức ăn không kịp phân hủy trước khi xuống dạ dày. Từ đó khiến cho thức ăn bị ứ đọng, dạ dày hoạt động quá tải gây trào ngược axit dẫn đến viêm loét. Tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ gây nên những tổn thương tái phát nhiều lần và làm tăng nguy cơ ung thư.

Ngoài ra nếu bạn thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Bởi trong rượu bia, thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại, không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nếu bạn đang có các bệnh về dạ dày nó sẽ khiến cho những tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Niêm mạc dạ dày suy yếu, làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị và làm tăng nguy cơ ung thư.

Do yếu tố di truyền:

Cũng giống với một số bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày cũng có yếu tố di truyền. Số liệu thống kê từ một nghiên cứu cho thấy có khoảng 10% các ca bệnh liên quan đến yếu tố di truyền. Vì vậy nếu bạn có người thân từng mắc bệnh này tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thực hiện sàng lọc bệnh định kỳ để có thể phát hiện bệnh được sớm nhất.

Mắc các bệnh lý ở dạ dày:

Những người mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Bởi vì khi tình trạng viêm loét càng trở nên nghiêm trọng thì nguy cơ dẫn đến ung thư càng cao.

Ngoài ra những người từng phẫu thuật dạ dày cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng này hãy thường xuyên kiểm tra thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời.

nguyên nhân ung thư dạ dày

Một số nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày

Một số nguyên nhân khác:

Ngoài những nguyên nhân trên, việc bạn mắc bệnh ung thư dạ dày còn có thể là do một số yếu tố khác như:

  • Thiếu máu ác tính.
  • Những người có nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 30% so với các nhóm máu khác. Nguyên nhân là do nhóm máu này hấp dẫn vi khuẩn HP cao hơn.
  • Ô nhiễm do môi trường sống cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Người ở tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Nam giới dễ bị ung thư dạ dày hơn nữ giới.

4. Cách điều trị bệnh ung thư dạ dày:

Việc ung thư dạ dày có chữa khỏi được không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn phát hiện và phương pháp điều trị. Phát hiện và điều trị bệnh càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao. Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau:

  • Nội soi dạ dày bằng camera sợi quang học.
  • Chụp X – quang ống tiêu hóa trên.
  • Chụp cắt lớp hoặc chụp CT bụng.

Sau khi đa có chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và nắm được thể trạng sức khỏe của bệnh nhân bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Hiện nay ung thư dạ dày được điều trị bằng các phương pháp chủ yếu sau:

Phương pháp phẫu thuật:

Bác sĩ tiến hành cắt bộ một phần hoặc toàn bộ dạ dày cùng các phần xung quanh để loại bỏ được triệt để tế bào ung thư. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng chủ yếu là:

  • Phương pháp Billroth I hoặc Bill.
  • Phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc dạ dày.

phẫu thuật ung thư dạ dày

Phương pháp phẫu thuật có khả năng chữa khỏi khoảng 40% các ca bệnh. Nhưng nếu bệnh đã di căn thì phương pháp này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng của bệnh.

Phương pháp hóa trị:

Được dùng để điều trị triệu chứng và làm giảm kích thước khối u, qua đó kéo dài được thời gian sống cho bệnh nhân. Có thể sử dụng trước khi phẫu thuật hoặc bổ sung sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn xót lại.

Phương pháp xạ trị:

Phương pháp này có thể dùng kết hợp với phẫu thuật và hóa trị nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Xạ trị giúp giảm đau, ngăn không cho khối u phát triển thêm.

xa tri gia toc

Máy xạ trị gia tốc đa lá chì hiện đại tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Hiệu quả của các phương pháp điều trị có thể khác nhau ở mỗi người. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng sức khỏe, tình trạng khối u, khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị...

Trên đây là một số thông tin về bệnh ung thư dạ dày mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Để được kiểm tra sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh được bệnh sớm nhất bạn có thể đến Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội. Tại đây có đội ngũ y bác sĩ giỏi cùng thiết bị y tế hiện đại sẽ giúp bạn kiểm tra được chính xác nhất tình trạng của mình.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353