Phương Pháp Phẫu Thuật Trong Điều Trị Ung Thư Đại Trực Tràng

Ngày đăng: 15-03-2021 08:50:20

Phẫu thuật là phương pháp được sử dụng rất phổ biến trong điều trị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có hiểu biết đầy đủ về phương pháp này. Hãy cùng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội tìm hiểu về cách điều trị ung thư đại trực tràng này:

CÁC PHẪU THUẬT TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

1. Phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải

Phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải là phương pháp được áp dụng với khối u nằm phía bên phải của đại tràng. Phẫu thuật thường cắt bỏ từ 20 – 30 cm hồi tràng, đại tràng lên, manh tràng và nửa phải của đại tràng ngang. Các khối u nằm ở vị trí manh tràng, đại tràng góc gan, đại tràng lên, đại tràng ngang sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Hầu hết người bệnh mắc ung thư đại tràng phải đều cần thực hiện phẫu thuật này.

cắt đại trực tràng

2. Phẫu thuật cắt bỏ nửa đại tràng trái

Phương pháp mổ cắt bỏ đại tràng trái là biện pháp loại bỏ nửa trái đại tràng ngang cho đến cuối đại tràng xích ma. Phương pháp này là cách điều trị triệt để nhất đối với khối u nằm ở phía trái đại tràng. Phẫu thuật này được đánh giá là khó và nguy hiểm hơn phẫu thuật đại tràng phải. Chính vì vậy, với khối u nhỏ hoặc di căn hạch ít thì bác sĩ thường chỉ định cắt bán phần đại tràng.

3. Các phẫu thuật đại tràng khác

Ngoài phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng trái hoặc đại tràng phải, trong điều trị ung thư đại trực tràng còn có các loại phẫu thuật khác như:

-  Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng trái cao: cắt bỏ 1/3 hoặc ½ trái của đại tràng ngang và phần đại tràng xuống. Phẫu thuật này được chỉ định cho ung thư có vị trí ở góc đại tràng trái hoặc đại tràng xuống bên trái.

-  Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng trái thấp: cắt bỏ toàn bộ đại tràng xích ma hoặc 1 phần đại tràng xuống. Phẫu thuật này thường được chỉ định trong trường hợp ung thư đại tràng xích ma.

-  Phẫu thuật cắt đại tràng ngang: cắt bỏ toàn bộ đại tràng ngang từ góc phải đến góc trái của đại tràng.

-  Phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng: phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân có khối u phát triển mạnh, nhiều di căn hạch, bệnh nhân có bệnh đa polyp gia đình, ung thư ở 1/3 giữa đại tràng ngang có di căn hạch lan rộng ở mạc treo.

CÁC TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG TRONG PHẪU THUẬT UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

1. Các tai biến trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng

Cũng giống như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có các tai biến nhất định. Trong phẫu thuật cắt đại tràng bên phải, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương niệu quản và tổn thương tá tràng do hai bộ phận này nằm gần vị trí phẫu thuật. Tổn thương niệu quản thường hay gặp do việc phẫu thuật nhiễm vào niệu quản. Để đề phòng trình trạng này, trong phẫu thuật cần tìm vị trí niệu quản trước khi làm các bước tiếp theo. Tổn thương tá tràng thường gặp do khi bóc tách đại tràng khỏi góc gan và mạc treo của nó.

Trong phẫu thuật cắt đại tràng bên phải, hai tổn thương thường gặp nhất là tổn thương niệu quản phải và tổn thương lá lách. Để đề phòng tổn thương niệu quản phải, trong quá trình phẫu thuật cần tìm và xác định được vị trí niệu quản trước khi bóc tách đại tràng thành bụng sau. Tổn thương lá lách thường gặp khi có viêm dính quanh lá lách. Khi giải phóng đại tràng góc lách phải cần nhẹ nhàng, đặc biệt cẩn thận khi đại tràng dính vào lá lách.

2. Đề phòng bục chỉ miệng nối sau phẫu thuật

Bục chỉ miệng nối sau phẫu thuật rất thường gặp trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng. Miệng nối ở đại tràng khó liền hơn nhiều so với miệng nối khi phẫu thuật dạ dày và ruột non. Tỷ lệ bệnh nhân bị viêm phúc mạc sau phẫu thuật lên đến 14.6%. Nguyên nhân bục chỉ miệng nối là do:

- Thiếu máu nuôi dưỡng ở miệng nối

-  Miệng nối bị căng

-  Nhiễm khuẩn khu vực miệng nối

-  Do cơ địa của bệnh nhân

-  Dẫn lưu trong lòng đại tràng làm giảm áp.

Để giảm thiểu tai biến và tình trạng bục chỉ miệng nối sau phẫu thuật, người bệnh cần phẫu thuật tại các bệnh viện uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao.

LƯU Ý SAU KHI PHẪU THUẬT UNG THƯ ĐẠI TRÀNG

sau khi phẫu thuật ung thư đại trực tràng, người bệnh cần lưu ý:

1. Chăm sóc và theo dõi sau mổ

Phẫu thuật ung thư đại trực tràng là một cuộc đại phẫu, vì vậy người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi kỹ càng sau phẫu thuật. Các dấu hiệu sinh tồn như nhiệt độ cơ thể, tình trạng mạch, huyết áp, nhịp thở,... cần được theo dõi thường xuyên. Trong vài ngày đầu sau mổ người bệnh cần được duy trì dịch truyền. Người bệnh sẽ được giảm đau sau mổ bằng máy bơm tiêm tự động, tiêm thuốc giảm đau theo liều lượng phù hợp.

chăm sóc bệnh nhân

Sau khi người bệnh ra viện việc theo dõi vẫn cần được thực hiện thường xuyên. Tùy vào tình trạng từng bệnh nhân và bác sĩ sẽ đặt lịch tái khám và kiểm tra riêng. Đây là việc làm vô cùng cần thiết nhằm theo dõi vết mổ và khối u có tái phát hay không.

2. Người bệnh cần tập vận động sớm sau khi phẫu thuật

Người bệnh sau phẫu thuật cần được hướng dẫn tập vận động nhẹ nhàng, tập hít thở và ăn uống trở lại sớm ngay ngày đầu tiên sau mổ. Hạn chế việc đặt ống thông cho người bệnh, chỉ đặt khi thực sự cần thiết. Bác sĩ sẽ kiểm tra bụng bệnh nhân mỗi ngày, sờ nắn để kiểm tra tình trạng phúc mạc và sự hoạt động của ruột. Bệnh nhân bị béo phì và phụ nữ rất dễ bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu nếu không vận động ngay sau phẫu thuật. Ngoài ra, với những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc tim mạch, tiểu đường sẽ có nguy cơ cao mắc biến chứng sau mổ.

3. Chú ý chế độ dinh dưỡng sau mổ

Người bệnh sau khi làm phẫu thuật có nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng tăng để làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sức khỏe. Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến thời gian phục hồi lâu hơn, vết thương chậm lành, dễ bị nhiễm trùng. Do đó người bệnh cần được quan tâm dinh dưỡng kỹ càng trong và sau quá trình mổ.

Phẫu thuật ung thư đại trực tràng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Chính vì vậy người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng qua đường uống, dinh dưỡng qua được ruột, dinh dưỡng qua tĩnh mạch và các loại thuốc bổ trợ kích thích sự thèm ăn. Người bệnh cần tránh các loại đồ ăn gây ra khí, đầy bụng như: đồ uống có ga, đậu hà lan, bông cải xanh, củ cải, bắp cải, dưa chuột,.... Nên ăn các loại đồ ăn giàu calo và protein như trứng, phô mai, sữa, các loại hạt, thịt, gia cầm, cá,...

Với những bệnh nhân bị táo bón, cần bổ sung thêm nhiều chất xơ trong thực đơn. Người bệnh cần ăn các thức ăn như hạt, rau củ quả, trái cây để phân mềm hơn, đi vệ sinh dễ dàng, hạn chế cọ xát đại tràng. Chức năng đại tràng của người bệnh sẽ trở về bình thường sau khoảng 1 tuần mổ. Khi đó người bệnh có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường. Lưu ý với bệnh nhân mắc ung thư trực tràng, người bệnh cần cắt bớt lượng chất xơ trong một tháng sau mổ.

Trên đây là tất cả thông tin bạn cần biết về phẫu thuật ung thư đại trực tràng. Có thể thấy rằng đây là một cuộc đại phẫu, đòi hỏi bác sĩ chuyên môn cao, tay nghề giỏi và cần theo dõi chặt chẽ. Chính vì vậy người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế uy tín.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353