Sàng lọc ung thư đại trực tràng

Ngày đăng: 24-11-2020 16:12:28

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư mà tế bào ung thư xuất hiện và phát triển từ lớp niêm mạc đại trực tràng. Đây là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến. Cũng giống như một số loại ung thư khác như ung thư vú, ung thư tuyến giáp khi phát hiện sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt tới trên 90%. Tỷ lệ sống thêm của người bệnh giảm thấp rõ rệt khi ở giai đoạn xâm lấn, di căn.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2012 Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về tỷ lệ mắc mới, đứng hàng thứ 4 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư.

Biểu hiện sớm của Ung thư đại trực tràng:

- Rối loạn tiêu hóa: Không điển hình lẫn với các triệu chứng bệnh khác như ợ hơi, khó tiêu, đau bụng trước khi đại tiện ( hội chứng konicg), táo bón, mót rặn... Đặc biệt các triệu chứng này kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị

- Các rối loạn bài tiết phân:

+ Táo bón hay đi phân lỏng bất thường, kéo dài

+ Phân mỏng hẹp so với bình thường

+ Có máu trong phân

- Giai đoạn muộn: Sờ thấy khối u, hạch ở nhiều nơi, tắc ruột...

Từ những dữ liệu trên như thời gian sống thêm khi phát hiện bệnh sớm dài, bệnh hay gặp... Bộ y tế đã khuyến cáo nên sàng lọc Ung thư đại trực tràng trong cộng đồng

Sàng lọc Ung thư đại trực tràng: là quy trình kiểm tra các đối tượng không có triệu chứng của một bệnh nhưng có nguy cơ cao với bệnh đó

Sàng lọc Ung thư đại trực tràng là tiến hành khám, phát hiện các tổn thương tiền ung thư và các ung thư sớm để có thể điều trị khỏi nhằm giảm tỷ lệ tử vong do Ung thư đại trực tràng.

I. Đối tượng sàng lọc Ung thư đại trực tràng

Là những đối tượng có nguy mắc Ung thư đại trực tràng trong cộng đồng. Theo khuyến cáo Bộ y tế phân nhóm đối tượng mắc Ung thư đại trực tràng thành các nhóm:

1.1. Đối tượng nguy cơ mắc trung bình:

- Tuổi ≥ 50T

- Không có tiền sử u biểu mô tuyến hoặc Ung thư đại trực tràng

- Không có tiền sử viêm nhiễm đường tiêu hóa

- Không có tiền sử gia đình ung thư

1.2. Đối tượng nguy cơ mắc cao

- Bao gồm những người có tiền sử bản thân bị u biểu mô tuyến hoặc polyp đại trực tràng

- Có các bệnh liên quan đến tổn thương ở đại trực tràng: viêm đại trực tràng mạn tính, viên đại tràng chảy máu, bệnh Crohn...

1.3. Đối tượng nguy cơ mắc rất cao

- Gia đình có người bị ung thư đặc biệt là Ung thư đại trực tràng ( hội chứng Lynch 1,2*)

- Hội chứng đa polyp đại trực tràng có tính chất gia đình (FAP: Familial adenomatous Polyposis)

* Hội chứng Lynch: là hội chứng rối loạn di truyền trội gây ra bởi đột biến gây bệnh di truyền trên 1 trong 5 gen, bao gồm: MLH1; MSH6, MSH2, PMS2, EPCAM. Những người mang hội chứng Lynch có nguy cơ bị Ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, buồng trứng, dạ dày, ruột non, gan mật, tuyến bài tiết, não, da...

II. Các biện pháp sàng lọc Ung thư đại trực tràng:

2.1. Khám lâm sàng:

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của bạn như: yếu tố gia đình ( có người mắc Ung thư đại trực tràng không), thói quen sinh hoạt, ăn uống của bạn, khai thác một số dấu hiện cơ năng ( triệu chứng khiến bạn khó chịu nhất), đánh giá toàn thân, và thăm khám một số vị trí như sờ hạch bẹn, thăm trực tràng bằng ngón tay để đánh giá khối u vị trí gần hậu môn

2.2. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT)

 Cơ chế của xét nghiệm này do các mạch máu của polyp hoặc khối u đại trực tràng dễ bị tổn thương khi phân đi qua, gây chảy máu vi thể, máu dính vào phân, hiếm khi nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là xét nghiệm đơn giản, cho kết quả ngay, có thể làm tại nhà ( sử dụng que thử). Nếu xét nghiệm dương tính ( có máu trong phân) thì bạn cần nội soi ống mềm khung đại tràng.

* Xét nghiệm hóa miễn dịch phân ( fecal immunochemical test): phát hiện hemoglobine protein là thành phần trong hồng cầu người.

* Xét nghiệm ADN trong phân (stool ADN test): phát hiện các bất thường ADN do đột biến gen của các tế bào ung thư  đại trực tràng. Xét nghiệm đòi hỏi thực hiện ở các labo hiện đại với chi phí cao.

Và đây là 2 xét nghiệm còn chưa phổ biến tại Việt Nam

2.3. Nội soi đại trực tràng

Là phương pháp được chỉ định của nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc Ung thư đại trực tràng cao ( xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân dương tính, tiền sử gia đình có người mắc Ung thư đại trực tràng, đa polyp...) là kỹ thuật xâm nhập, có thể đánh giá trực tiếp tổn thương và can thiệp sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp.

Noi soi tieu hoa Bác sĩ Ánh Dương cùng kỹ thuật viên thực hiện nội soi

2.4. Xét nghiệm gen

- Xét nghiệm gen được chỉ định cho các đối tượng có hội chứng di truyền gia đình như: -- Xét nghiệm gen APC trong hội chứng đa polyp đại tràng gia đình (FAP), xét nghiệm gen hMLH1 và hMLH2 trong hội chứng UTĐT di truyền không polyp (HNPCC).

- Xét nghiệm gen trong mục 2.3 trong để phát hiện hội chứng Lynch 1,2.

Tuy nhiên, xét nghiệm gen này ở Việt Nam còn khá hạn chế và được thực hiện ở những Labo hiện đại, hy vọng sẽ được triển khai thường quy trong thời gian tới.

2.5. Siêu âm ổ bụng

Phải nhấn mạnh đây không là một trong các phương pháp sàng lọc Ung thư đại trực tràng được khuyến cáo do độ nhạy không cao. Tuy nhiên, với ưu điểm phổ biến, chi phí thấp và với sự phát triển ngày càng hoàn thiện về hình ảnh của các máy siêu âm thế hệ mới nên nhiều trường hợp phát hiện u đại tràng qua siêu âm. Vì vậy, chúng tôi đưa xét nghiệm này vào bài viết như một phương pháp tham khảo khi bạn kiểm tra sức khỏe định kỳ.

III. Kết luận

Qua bài trên hy vọng các bạn hiểu về tầm quan trọng của việc sàng lọc Ung thư đại trực tràng, sẽ có những câu hỏi bạn thắc mắc như: bao lâu sàng lọc lại 1 lần. Theo khuyến cáo ESMO (2017):  Đối với nam, nữ ≥ 50T, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân được khuyến cáo, nên tầm soát hàng năm ( năm 1 lần), khoảng cách giữa các lần xét nghiệm không nên quá 2 năm.

Tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội chúng tôi có đầy đủ trang bị sàng lọc Ung thư đại trực tràng, sẽ là một địa chỉ tin cậy để mọi người khám và điều trị.  

                                                                                            Ths Bs Nguyễn Thị Giang Oanh

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353