Vì sao nữ giới dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới?

Ngày đăng: 07-06-2020 16:41:28

Bạn có biết, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh tuyến giáp cao hơn khoảng 3 lần so với nam giới. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ giới mắc cường giáp cao hơn 7 lần, tỷ lệ suy giảm cao hơn 8 lần so với nam giới. Tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Hãy cùng nghe bác sĩ giải đáp:

1. Tuyến giáp và chức năng với cơ thể

Trước tiên, bạn cần hiểu đúng về tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có kích thước lớn, nằm ở cổ, phí trước thực quản. Nó có hình bướm với 2 thùy giáp và eo giáp kết nối ở giữa. Kích thước trung bình của tuyến giáp khoảng 2 inch.

tuyến giáp

Chức năng chính của tuyến giáp là tiết ra hormon T3 và T4, kiểm soát quá trình trao đổi chất và năng lượng của cơ thể. Hormon tuyến giáp tham gia vào hầu hết quá trình quan trọng của cơ thể sống như: hô hấp, tuần hoàn, điều hành hệ thần kinh, kiểm soát trọng lượng của cơ thể, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới, kiểm soát thân nhiệt và lượng Cholesterol trong máu.

2. Tại sao nữ giới dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, vì vậy, các bệnh lý liên quan đến tuyến này có nguyên nhân chủ yếu do nội tiết gây ra. Nữ giới do có cấu tạo cơ thể cũng như nhiệm vụ sinh lý khác biệt với nam giới, vì vậy, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp cao hơn hẳn. Nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc khiến hormon thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Các giai đoạn khiến cơ thể nữ giới thay đổi nội tiết tố gồm: dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh.

Thay đổi hormon ở nữ giới – nguyên nhân chính khiến tuyến giáp bị ảnh hưởng

Thay đổi của hormone nữ giới khiến tuyến giáp bị ảnh hưởng, cụ thể:

- Sự thay đổi nội tiết trong giai đoạn dậy thì hoặc các ngày của chu kỳ kinh nguyệt có tác động mật thiết đến hoạt động tiết hormon của tuyến giáp.

- Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ sinh ra 2 hormone chính là βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. βhCG tăng trong 3 tháng đầu của thai kỳ làm giảm nhẹ hormone TSH gây ra cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen sẽ làm tăng hormone tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh.

- Khi mang thai, kích thước tuyến giáp có thể tăng từ 10 – 15%, gây ra hiện tượng bướu cổ tạm thời. Tỷ lệ này khá cao ở phụ nữ vùng núi do thiếu Iod trong khẩu phần ăn hàng ngày. Việc tuyến giáp của bạn có tăng quá mức về kích thước hay không sẽ được kiểm tra thông qua siêu âm.

- Khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh, lượng hormone Estrogen suy giảm trầm trọng. Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng đến tuyến giáp từ thời kỳ dậy thì, mang thai, sinh nở trước đây cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Chính vì vậy, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh là đối tượng mắc bệnh tuyến giáp cao nhất.

Các yếu tố khác khiến bệnh tuyến giáp có tỷ lệ cao ở nữ giới

Ngoài yếu tố thay đổi hormon sinh lý, tuyến giáp của phụ nữ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như:

- Việc sử dụng thuốc tránh thai hay que ngừa thai sẽ ảnh hưởng đến hormon cơ thể nữ giới, trong đó có hormon tuyến giáp.

- Đối tượng phụ nữ stress, căng thẳng, lo âu, mất ngủ thường xuyên,... sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn.

- Hệ miễn dịch tự nhiên suy yếu kéo theo những thay đổi về hormon gây nên bệnh tuyến giáp.

- Đối tượng phụ nữ có người trong gia đình từng mắc bệnh tuyến giáp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Phụ nữ từng phẫu thuật, xạ trị, sử dụng thuốc tác động đến hormon,... cũng có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn.

- Hàm lượng Iod trong bữa ăn hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến tuyến giáp của phụ nữ.

3. Các bệnh tuyến giáp thường gặp ở nữ giới

Do ảnh hưởng của hormon mà phụ nữ rất dễ mắc bệnh tuyến giáp. Một số bệnh tuyến giáp có tỷ lệ cao ở nữ giới phải kể đến như:

Bướu cổ (bướu lành tuyến giáp)

Đây là bệnh lý tuyến giáp thường gặp nhất ở phụ nữ. Bệnh phát triển âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng, gây khó khăn khi phát hiện bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn không biết mình mắc bệnh bởi bướu lành tuyến giáp có thể tự khỏi và biến mất hoàn toàn. Với các trường hợp bướu cổ phát triển mạnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như: vùng cổ sưng to, khối u lớn nổi lên, khó thở, khó nuốt, ho,....

Bệnh bướu cổ ở nữ giới cao hơn khoảng 3 – 10 lần so với nam giới (tùy thuộc vào khu vực sống của bệnh nhân). Đặc biệt, độ tuổi mắc bệnh khá trẻ, rơi vào phụ nữ trong khoảng 20 tuổi. Để điều trị bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Suy giáp

Suy giáp là bệnh do tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormon Thyroxin cơ thể sống cần. Bệnh cũng có các dấu hiệu khá mơ hồ như: buồn ngủ, mệt mỏi, táo bón, khàn tiếng, khô da, trí nhớ kém,... Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ nhận thấy các triệu chứng rõ rệt hơn như: chán ăn, sức khỏe suy giảm mạnh, rụng tóc, da và niêm mạc mắt phù viêm, kích thước lưỡi to hơn, huyết áp thấp, nhịp tim chậm, thậm chí là hôn mê đột ngột.

Biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để điều trị suy giáp là sử dụng thuốc bổ sung hormon Thyroxin. Thời gian dùng thuốc kéo dài tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Một số trường hợp phải sử dụng hormone thay thế suốt đời.

Cường giáp

Cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi sự tiết quá mức hormone T3 và T4 của tuyến giáp. Bệnh thường gặp nhất trong nhóm cường giáp là Basedow với các biểu hiện như: bướu cổ to, lồi mắt, tim đập nhanh, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng gặp phải những triệu chứng khác như: sợ nóng, hồi hộp lo âu, tiêu chảy, chân tay run rẩy, ra nhiều mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, cơ thể yếu ớt không có sức. Để chẩn đoán cường giáp chính xác nhất bạn cần thực hiện các xét nghiệm về hàm lượng TSH, T3, T4,...

Hiện nay, bệnh cường giáp được điều trị dễ dàng thông qua phương pháp dùng thuốc điều trị mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian điều trị bệnh khá dài, có thể từ 12 – 18 tháng. Khi không thấy triệu chứng của bệnh, người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc, tránh bệnh tái phát, kéo dài thời gian điều trị. Một số trường hợp cường giáp có bướu quá to cần thực hiện mổ tuyến giáp hoặc xạ trị bằng Iod phóng xạ I-131.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh tuyến giáp nguy hiểm nhất mà phụ nữ có thể mắc phải. Bệnh chiếm 1% tỷ lệ các bệnh ung thư. Triệu chứng của bệnh không rõ ràng khiến người bệnh khó phát hiện. Tế bào ung thư phát triển một cách âm thầm, không gây đau vùng cổ. Chỉ đến khi tế bào ung thư phát triển mạnh, gây ra các triệu chứng như: vùng cổ phình to, nổi khối u, khó thở, khó nuốt, tay chân run rẩy, mất ngủ,…. Người bệnh mới lo sợ và tìm đến bác sĩ.

Hiện có các loại ung thư tuyến giáp như: ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang, K giáp thể biệt hóa, K giáp thể không biệt hóa, K giáp thể tủy,…. Tùy vào bệnh và tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, trong đó, dùng Iod phóng xạ để xạ trị được coi là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay.

Tóm lại, bệnh lý tuyến giáp có tỷ lệ ở nữ giới cao hơn là do sự biến đổi về nội tiết của cơ thể. Tuy nhiên, nam giới cũng có rất nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tuyến giáp do thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Tuyệt đối không được chủ quan với bệnh.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353