Sơ lược về vi khuẩn Helicobacter pylori

Ngày đăng: 28-12-2023 09:05:11

 Helicobacter pylori, trước đây gọi là Campylobacter pylori hoặc pyloridis, được phát hiện ở dạ dày người vào năm 1982. Đây không phải là hiện tượng lạ vì vào năm 1890 người ta đã tìm thấy một loại xoắn trùng ở niêm mạc dạ dày của một số loài thú, sau đó người ta lại ghi nhận một loại xoắn trùng tương tự ở dạ dày người. Năm 1938, người ta tìm thấy xoắn trùng ở dạ dày của 103 trong số 242 người khi tiến hành giải phẫu tử thi.

Lịch sử của nhiễm H.pylori bắt đầu khi Warren và Marsall phân lập được vi khuẩn này năm 1983 và mô tả được sự liên hệ giữa chúng với hình ảnh mô học của viêm dạ dày. Sau phát hiện này, sự bùng nổ dữ dội các thông tin về H.pylori, bao gồm biểu hiện lâm sàng, sinh lý bệnh học cũng như điều trị học kéo dài liên tục cho đến ngày hôm nay.

Robin Warrn( phải) và Barry Marshall nhận giải Nobel năm 2005 với việc phát hiện và phân lập vi khuẩn Helicobacter pylori

  1. Đặc điểm vi khuẩn

Vi khuẩn Helicobacter pylori( H.pylori) là trực khuẩn gram âm có hình cong, xoắn nhẹ. Từ bệnh phẩm sinh thiết ở tiêu bản dạ dày, tá tràng làm tiêu bản nhuộm Gram chúng thể hiện hình thể đặc trưng là chữ S, dấu ⁓, dấu ?, hình cánh cung… Dưới kính hiển vi điện tử, vi khuẩn dài 2-4 µm, đường kính 0,51 µm, với 2 đến 6 tiêm mao ở đầu. Hình dạng xoắn và tiêm mao giúp cho vi khuẩn di chuyển tốt trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn sống ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, một số ít bám trên bề mặt niêm mạc. Helicobacter pylori tăng trưởng ở nhiệt độ 34- 40 tốt nhất ở 37, chịu được pH từ 5,5 đến 8,0, tốt nhất trong môi trường trung tính.

Vi khuẩn Helicobacter pylori

Helicobacter pylori là vi khuẩn vi ái khí, mọc chậm và cần môi trường nuôi cấy phức tạp trong phòng xét nghiệm. Môi trường chọn lọc thường là Helicobacter- Agar hoặc thạch hoặc máu cừu.

  1. Đặc điểm gây bệnh

Các yếu tố gây bệnh của H. pylori bao gồm: Tiêm mao, enzyme urease, yếu tố bám dính và các yếu tố độc lực của vi khuẩn.

- Tiêm mao: Giúp vi khuẩn di chuyển xuyên qua lớp nhầy đến bề mặt niêm mạc, nơi có pH trung tính để xâm nhập vào tế bào biểu mô vật chủ để gây bệnh.

- Enzyme urease: Xúc tác thủy phân ure, một sản phẩm của quá trình phân hóa Protein trong thức ăn ở dạ dày, cuối cùng tạo ra NH4+- vừa là độc lực gây bệnh, vừa kháng acid để cho H. pylori tồn tại.

- Yếu tố bám dính: BabA (HopS), SabA và SabB (HopP), OipA (HopH) là các protein màng, giúp tăng khả năng bám dính của vi khuẩn vào tế bào biểu mô dạ dày để gây bệnh.

- Yếu tố độc lực chủ yếu: Kháng nguyên kết hợp độc tố tế bào Cag-A ( Cytotoxin associated gene A) và độc tố gây không bào Vac-A (Vacuolating cytotoxin)- liên quan đến tiên lượng viêm teo dạ dày, dị sản ruột và những bệnh cảnh lâm sàng nặng.

  1. Dịch tễ và đường lây

Năm 2015, trên thế giới có khoảng 4,4 tỷ người nhiễm H.pylori. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ nhiễm H.pylori ở các nước công nghiệp vào khoảng 20-30% dân số và tăng nhanh trên 50% ở độ tuổi trên 60. Ở Mỹ khoảng 45% dân số, châu Âu có 15- 35% dân số nhiễm H.pylori và tăng dần theo nhóm tuổi cao. Ở Anh, khoảng 47% dân số nhiễm H.pylori và gia tăng ở những gia đình có người nhiễm trước đó. Ở những nước đang và kém phát triển, tỉ lệ nhiệm H.pylori tăng cao hơn, lên đến 80-90%.

Tại Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu nào trong cộng đồng với số lượng lớn nên không có số liệu cụ thể. Nghiên cứu của Hoàng Thị Thu Hà năm 2005 cho thấy tỉ lệ -nhiễm H. pylori tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây là 74,6%. Các nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ nhiễm H.pylori giữa các vùng miền là không giống nhau. Trong viêm dạ dày mạn tính, tỉ lệ nhiễm H.pylori ở miền Bắc (55-75%) cao hơn miền Nam (gần 65%). Trong loét dạ dày, tá tràng thì tỉ lệ nhiễm H.pylori ở miền Bắc (85-90%) cao hơn miền Trung (gần 70%) và miền Nam (55-60%).

Người là vật chủ quan trọng nhất với H.pylori. Vi khuẩn xâm nhập qua đường tiêu hóa. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh tỉ lệ nhiễm H.pylori cao ở những người sống trong môi trường thiếu vệ sinh, có đông người sống trong cùng một gia đình. Người Việt Nam thường có thói quen ăn chung mâm, dùng chung bát đũa, cốc chén, ăn uống vỉa hè, mớm cơm, ăn gỏi, rau sống không được rửa sạch và thiếu nguồn nước sạch ở nông thôn cũng là con đường lây truyền H.pylori. Lây truyền vi khuẩn từ người sang người có thể thông qua:

- Miệng- miệng: cao răng, nước bọt, dịch dạ dày trào ngược và chất nôn...

- Phân- miệng: ruồi là vật trung gian truyền bệnh

- Do nhân viên y tế: Gây mê, nha khoa, tai mũi họng, nội soi.

- Thực phẩm và nguồn nước: Ăn uống chung mâm bát, quán đường phố vỉa hè, nguồn nước bẩn, thực phẩm không sạch

  1. Cơ chế gây bệnh

Helicobacter pylori gây bệnh thông qua bốn bước

- Bước 1: H.pylori sống được trong môi trường acid dạ dày.

- Bước 2: Di chuyển về bề mặt tế bào biểu mô niêm mạc dạ dày nhờ hệ thống tiêm mao.

- Bước 3: Bám dính vào các thụ thể vật chủ nhờ các yếu tố bám dính.

- Bước 4: Tiết độc tố gây bệnh.

Có nhiều chất do H.pylori tiết ra hoặc do H.pylori kích thích tế bào vật chủ tiết ra, tham gia vào cơ chế gây bệnh. Một số chất do vi khuẩn tiết ra gồm: Urease, phospholipase, alcohol dehydrogenase, VacA, CagA, carbonic anhydrase, superoxide dismutase, catalase, yếu tố hoạt hóa tiểu cầu,  neuramidase, fucosidase  và protein hoạt hóa bạch cầu đa nhân trung tính của H. pylori (Hp-NapA). Trong đó, Vacuolating cytotoxin A (VacA) là độc tố cơ bản của H.pylori có liên quan đến loét dạ dày- tá tràng, làm thoái hóa lớp nhầy của niêm mạc, có hoạt tính độc gây tổn thương thoái hóa tế bào dạng hốc. Cytotoxin associated gene A( CagA- độc tố liên quan đến gen A): Thường xuất hiện cùng VacA và làm tăng cường độc lực của VacA. Những chủng H.pylori có CagA đi kèm VacA thường gây viêm dạ dày nặng và loét tá tràng. Ngoài ra, sự xuất hiện của CagA còn làm cho những trường hợp viêm mạn tính có tỉ lệ cao dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày và nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày. CagA gây ra những hiệu ứng khác nhau, hiện nay còn chưa nghiên cứu được hết, sự xuất hiện của chúng còn liên quan đến các cytokine và các yếu tố tiền viêm, đặc biệt là kích thích các tế bào thực bào tăng tiết IL-8 gây mất điều hòa cơ chế miễn dịch, chuyển quá trình viêm sang ung thư hóa. Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy người mang H.pylori có nguy cơ bị ung thư tế bào tuyến ở dạ dày gấp 3,8 lần nhóm chứng. Đặc biệt, CagA giữ vai trò quan trọng: người có kháng thể anti- CagA có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2 lần người không có kháng thể.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có chỉ định điều trị tiệt trừ H.pylori, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội sẽ cũng cấp thêm thông tin cho quý vị trong các bài viết sau.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353