Điều trị u mạch máu dạng phẳng tại Viện Y học phóng xạ U bướu Quân đội

Ngày đăng: 10-03-2020 10:01:34

Trẻ khi vừa sinh ra đã có vết chàm đỏ hoặc tím thâm trên mặt, đó chính là biểu hiện của u mao mạch máu dạng phẳng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe lâu dài của trẻ nên cần điều trị sớm.

1. Vết rượu vang loang trên mặt là bệnh gì?

Bé Nguyễn Thị H, 1 tuổi, quê ở Thường Tín, Hà Tây từ khi mới sinh ra đã xuất hiện trên mặt đám da màu đỏ tía, loang như vết rượu vang mà dân gian vẫn hay gọi là vết bớt, hay chàm đỏ. Lo lắng cho sức khỏe và thẩm mỹ của bé, bố mẹ đưa đi khám tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, được các bác sĩ chẩn đoán là u mao mạch máu dạng phẳng dựa trên các dấu hiệu lâm sàng: ấn vào vết đỏ thấy trắng, sau đó đỏ lại.

u-mao-mach-phangU mao mạch máu dạng phẳng xuất hiện trên mặt trẻ

Các bác sĩ cho biết, bệnh của bé H nên được điều trị càng sớm càng tốt vì để lâu, quá trình điều trị càng phức tạp và dễ gây ra các biến chứng: loét, nhiễm trùng, hoại tử u, chảy máu, suy tim, tắc nghẽn đường thở, ảnh hưởng thẩm mỹ cũng như tác động rất lớn đến tâm lý trẻ khi lớn lên.

U mao mạch máu dạng phẳng là bệnh về thành mạch máu (lành tính) do mao mạch không phát triển bình thường mà phát triển một cách vô tội vạ. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, có ngay khi sinh ra với các biểu hiện: vết loang màu đỏ hay tím sẫm, phẳng trên bề mặt da, sờ vào hơi ráp và không phát triển to lên mà phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của cơ thể (khi sinh ra chiếm 1/2 má thì lớn lên cũng chiếm 1/2 má), nó không mất đi mà tồn tại đến suốt đời.

Theo giới chuyên môn, hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh này nhưng có một số giả thuyết được đưa ra: Do di truyền từ cha mẹ sang con cái (nguy cơ 50/50 số lần mang thai). Bố hoặc mẹ có u mao mạch máu đã thoái triển nhưng đứa con bị u mao mạch máu nặng hơn; rối loạn hormone; rối loạn miễn dịch; bất thường về mạch máu; ảnh hưởng của hoá chất hay các chất độc hại khác; cha mẹ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virus trong thời kỳ mang thai; sau chấn thương…

2. Điều trị không phẫu thuật

 ⇒ Phương pháp điều trị xạ áp sát
Theo Đại tá bác sĩ Phạm Văn Thoãn, Chủ nhiệm Khoa Kiểm định phóng xạ, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, việc điều trị u mao mạch máu phẳng hiện nay rất phức tạp, đang tranh cãi giữa giới chuyên môn với nhau trong chẩn đoán bệnh vì dễ gây nhầm lẫn với các bệnh thuộc về u máu như: U tế bào nội mạc mạch máu; U dị dạng mạch máu (U dị dạng mao mạch, u dị dạng động mạch, tĩnh mạch hay u bạch mạch tồn tại và phát triển đến tuổi trưởng thành).

bac-si-Pham-Van-Thoan-kham-benh-ung thư-mao-mach-mau-dang-phang

Bác sĩ Phạm Văn Thoãn đang khám cho bệnh nhân

Do đó, việc áp dụng phương pháp điều trị nào còn tùy thuộc vào từng thể bệnh cũng như việc chẩn đoán chính xác thể bệnh đó, sao cho đạt được các yêu cầu: khỏi bệnh; không gây tác hại tới sự phát triển của cơ thể và đạt hiệu quả thẩm mỹ.

Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đang áp dụng phương pháp dùng đồng vị phóng xạ P-32 theo nguyên lý phát ra tia bê-ta. Phương pháp này có ưu điểm: tia bê-ta chỉ đi sâu được 1mm trên da, làm teo các mao mạch trên da mà không gây tổn thương các mô bên dưới da, không để lại các biến chứng như: bỏng hoặc các sẹo lồi lõm trên da.

Với mỗi miếng xạ có diện tích 2 x 5cm, các bác sĩ sẽ đắp đủ lên vùng da mặt bị chàm đỏ 1 lần/ngày trong khoảng thời gian vài phút, làm mỗi đợt liên tục trong hai tuần, nghỉ hai tháng sau mỗi đợt điều trị cho đến khi vết chàm mờ dần và mất hẳn. Phương pháp này khá đơn giản, không gây đau đớn, khó chịu, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú.
 ⇒ Phương pháp laser màu:

    Bác sĩ Đỗ Đình Thuận – Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Y Hà Nội cho biết: Xu hướng trên thế giới hiện nay trong việc điều trị u mao mạch máu phẳng chủ yếu bằng phương pháp nội khoa bảo tồn (không can thiệp bằng phẫu thuật).

    Cụ thể, tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Xanh-pôn thì chủ yếu sử dụng phương pháp laser màu tác động nông 1 - 2mm lên mao mạch giúp làm nhạt màu tổn thương, không để lại sẹo và di chứng như các phương pháp: tiêm xơ, nút mạch hay phẫu thuật, tiêm thuốc…

3. Lưu ý trong phòng bệnh:

Theo các bác sĩ, để tránh cho trẻ mắc căn bệnh này, cần chú ý các yếu tố sau: ảnh hưởng của hóa chất độc hại có thể gây u mao mạch máu phẳng ở trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu cha mẹ thường xuyên làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại cần có biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang hay mặt nạ phòng độc, đeo kính bảo hộ, đeo găng tay, đi ủng để hạn chế tác hại của hóa chất. Trẻ cũng cần được cách ly với môi trường bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại.

Phụ nữ mang thai cần phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn hay nhiễm virus. Luôn có người trông nom bế ẵm trẻ để tránh cho trẻ bị ngã, va đập vào vật cứng hoặc đồ chơi gây chấn thương. Mặc quần áo dài, đeo bao tay, tất chân cho trẻ nhỏ để tránh bị côn trùng đốt. Theo dõi và điều trị kịp thời các tổn thương do chấn thương hay côn trùng cắn tại các vùng mạch máu dễ gây ra u mạch.

Nếu nghi ngờ con mình bị u mao mạch máu phẳng, phụ huynh nên đưa con đi khám ở những trung tâm chuyên sâu, phải chẩn đoán đúng thì điều trị mới đúng và không gây tổn hại cho trẻ.

                                                                                                                                  Trích "Gia đình và trẻ em"

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353