GIẢI ĐÁP THẮC MẮC: BỆNH UNG THƯ GAN CÓ LÂY KHÔNG?

Ngày đăng: 31-08-2020 11:13:30

Nhiều người nhà bệnh nhân ung thư gan luôn thắc mắc với chúng tôi rằng bệnh ung thư gan có lây không và nếu lây thì sẽ qua các đường nào? Bác sĩ của Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội sẽ giải đáp ngay sau đây:

HIỂU ĐÚNG VỀ BỆNH UNG THƯ GAN

Trước khi tìm hiểu về ung thư gan có lây hay không bạn cần hiểu đúng bệnh ung thư gan là gì. Điều này sẽ giúp bệnh nhân và người nhà có đủ kiến thức để đối mặt và chăm sóc với bệnh nhân ung thư gan. Do thiếu kiến thức nên nhiều người bệnh khi được chẩn đoán ung thư gan đã bị mọi người xa lánh, hắt hủi, không chăm sóc đúng cách. Chính vì vậy việc hiểu đúng về ung thư gan sẽ giúp bạn có được cái nhìn khách quan và chăm sóc người bệnh đúng cách nhất, giúp người bệnh duy trì sự sống trong thời gian tối đa.

Ung thư gan là bệnh ung thư phổ biến hiện nay. Đây là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, có tỷ lệ tử vong cao, tiên lượng sống thấp, thời gian từ khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối đến khi tử vong trung bình chỉ 3 – 6 tháng. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên tỷ lệ bệnh ở nam giới cao hơn hẳn do lối sống.

ung thư gan

Nguyên nhân gây ra khối u ác tính trong gan là do các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, lối sống... gây nên tế bào dị tật trong quá trình phân bào. Các tế bào này vượt qua được hàng rào miễn dịch của cơ thể, tiếp tục phân chia và phát triển. Lâu dần chúng hình thành nên khối u trong gan, tốc độ phát triển nhanh, xâm lấn và ảnh hưởng đến chức năng gan. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan gồm: virus viêm gan B, virus viêm gan C, thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, sử dụng rượu bia, thuốc lá, nhiễm độc phóng xạ,.... Khối ung thư gan ở giai đoạn mới phát triển không có triệu chứng nào. Thông thường bệnh nhân chỉ phát hiện ra khối u khi chúng đã bước sang giai đoạn cuối với những triệu chứng rõ ràng như: mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, cổ trướng, chán ăn, sút cân trầm trọng.... Lúc này bệnh đã không thể điều trị và người bệnh sớm tử vong.

UNG THƯ GAN CÓ LÂY KHÔNG VÀ QUA ĐƯỜNG NÀO?

1. Bệnh ung thư gan có lây không?

Trên thực tế có nhiều người nhà bệnh nhân không dám ăn chung, uống chung, tiếp xúc gần với người bệnh ung thư gan vì sợ nhiễm bệnh. Đây là một điều hoàn toàn sai lầm. Chúng tôi xin khẳng định rằng ung thư gan là một bệnh hoàn toàn không lây nhiễm. Việc người bệnh bị cách ly, xa lánh vô tình tạo ra rào cản tâm lý, khiến tâm lý người bệnh xấu hơn, dẫn đến thời gian tử vong của bệnh nhân nhanh hơn. Chính vì vậy cần loại bỏ ngay suy nghĩ rằng ung thư gan là bệnh KHÔNG LÂY NHIỄM. Người nhà và bệnh nhân cần phải hiểu thật rõ điều này để không ảnh hưởng đến tâm lý.

k gan

Tuy nhiên, nói bệnh ung thư gan hoàn toàn không lây nhiễm cũng chưa hẳn đã đúng. Mặc dù bệnh không lây lan trực tiếp nhưng các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lại có thể lây truyền từ người này sang người khác, cụ thể là virus viêm gan B và viêm gan C. 2 loại virus gây bệnh gan này có thể lây truyền qua các con đường như: từ mẹ sang con, đường tình dục, đường truyền máu. Vì vậy để phòng ngừa triệt để bệnh ung thư gan bạn cần phòng tránh các yếu tố truyền nhiễm virus gây bệnh gan.

2. Phòng tránh nguy cơ lây bệnh viêm gan Virus, góp phần phòng bệnh ung thư gan

2.1 Phòng tránh viêm gan B

Để phòng tránh bệnh viêm gan B phương pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Hiện nay vắc xin viêm gan B vô cùng phổ biến, bạn có thể đăng ký tiêm tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm tiêm chủng,... trên toàn quốc. Bộ Y tế khuyến cáo trẻ em cần tiêm đủ 4 mũi vắc xin viêm gan B, người lớn cần tiêm đủ 2 mũi để phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Ngoài ra, để phòng bệnh bạn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ bấm móng tay, khuyên tai và truyền máu an toàn.

tiêm phòng viêm gan

2.2 Phòng tránh viêm gan siêu vi C

Hiện nay viêm gan C chưa có vắc xin phòng tránh. Chính vì vậy bạn cần thực hiện tốt các biện pháp tránh phơi nhiễm với virus như: quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su, không dùng chung các đồ vật dính máu của người khác, hạn chế tiếp xúc các chất dịch nhầy, phân, dịch nôn ói của người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Tóm lại ung thư gan không lây truyền sang người khác. Người nhà bệnh nhân có thể yên tâm chăm sóc và tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế khả năng mắc bệnh, bạn cần thực hiện các phương pháp phòng tránh bệnh viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Chúc bạn sức khỏe!

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353