Ung thư là gì? - Tổng quan về bệnh ung thư

Ngày đăng: 28-02-2020 17:04:06

Nhắc đến ung thư ta sẽ nghĩ ngay để một căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị. Bệnh ung thư trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, nhiều gia đình vì nỗi đau chết chóc nó mang đến. Vậy ung thư là gì?

1. Ung thư là gì?

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào trong cơ thể. Để hiểu về bệnh ung thư, chúng ta cần biết điều gì sẽ xảy ra khi các tế bào bình thường trở thành ác tính.

Cơ thể con người do hàng tỉ tế bào tạo nên. Mỗi tế bào được ví như những viên gạch để xây nên "tòa lâu đài" cơ thể người. Bình thường, tế bào sinh trưởng và phân chia để tạo ra tế bào mới chỉ khi cơ thể cần chúng. Quá trình này diễn ra một cách tuần tự theo quy luật twj nhiên được xác định giúp cơ thể khỏe mạnh.

Nếu trong quá trình phát sinh và phát triển, tế bào bị tác động bởi các tác nhân gây tổn thương làm rối loạn các thành phần mang tính di truyền trong nhân tế bào thì chúng có thể sẽ trở nên ác tính, phân chia không theo quy luật tự nhiên của cơ thể, phát triển không kiểm soát thành bệnh ung thư. Những tế bào này có thể gây xâm lấn, gây tổn thương mô và cơ quan lân cận hoặc tách khỏi khối ban đầu đi vào mạch máu hoặc bạch huyết. Sự lan rộng của bệnh được gọi là di căn.

Tế bào ung thư

Hình ảnh tế bào ung thư

 

 

Ung thư là bệnh của tế bào – đơn vị cấu trúc cơ bản nhất của cơ thể. Cơ thể con người liên tục diễn ra quá trình tế bào sinh ra và chết đi. Quá trình này giúp cơ thể phát triển hoặc hàn gắn các vết thương. Các tế bào mới sẽ sao chép mã gen của tế bào cũ. Trong quá trình sao chép diễn ra quá trình đột biến gen hoặc các gen bị tổn hại sẽ gây ra bệnh ung thư cho các tế bào. Các tế bào dị tật sẽ phát triển thành các khối u/ bướu.

Có 2 dạng u/ bướu hình thành do tổn thương tế bào, đó là:

- Khối u ác tính: có khả năng xâm lấn ra xung quanh các tế bào khỏe mạnh. Trong quá trình nhân bản, các tế bào ung thư sẽ đi xa tới các vùng khác của cơ thể thông qua hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết. Các khối u mới sẽ hình thành và tách biệt với khối u ban đầu, gọi là ung thư di căn.

- Khối u lành tính (không phải ung thư): không có khả năng xâm lấn mặc dù có kích thước lớn. Khối u lành tính có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật, không tái phát.

Vậy nguyên nhân gây ung thư là gì?

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư là gì?

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra nguyên nhân gây ung thư là do sự sai hỏng của các ADN trong quá trình phân bào. Khi một hoặc nhiều đột biến được tích lũy thông qua quá trình phân bào sẽ tạo thành các khối u.

Ung thư không phải do một tác nhân gây ra, Một tác nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư và một loại ung thư cũng có thể sinh ra bởi nhiều tác nhân. Hầu hết các bệnh nhân ung thư đều có nhiều yếu tố nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Có thể phân chia nguyên nhân gây ung thư thành 2 nhóm chính gồm: nguyên nhân bên trong do gen di truyền và nguyên nhân bên ngoài do thói quen ăn uống, sinh hoạt và tác động từ môi trường.

môi trường độc hại

3. Sự khác nhau giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh

Điều nguy hiểm nhất của bệnh ung thư là khả năng xâm lấn và nhân lên vô hạn khiến các tế bào khỏe mạnh trở thành các tế bào mang bệnh. Vậy sự khác biệt giữa tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư là gì?

Tế bào ung thư kém biệt hóa hơn các tế bào bình thường. Khả năng biệt hóa của tế bào là quá trình sinh ra, lớn lên, phát triển hoàn thiện và biệt hóa thành các tế bào có chức năng khác nhau của cơ thể. Tế bào ung thư không có khả năng biệt hóa hoặc khả năng biệt hóa rất thấp. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao tế bào ung thư lại có khả năng phân chia vô hạn, không bị ảnh hưởng bởi hiệu lệnh dừng phân chia của cơ thể.

Tế bào ung thư còn có khả năng tác động vào các tế bào bình thường, mạch máu và phân tử cung cấp oxy và chất dinh dưỡng xung quanh mình. Điều này giúp tế bào ung thư không ngừng lớn lên, phát triển một cách nhanh chóng.

tế bào ung thư

Một khả năng khác của tế bào ung thư là vượt qua sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch. Chức năng của hệ miễn dịch là tiêu diệt sự tấn công của vi khuẩn, vi rút, đào thải các tế bào bị hư hại và các tế bào dị tật. Tuy nhiên, chức năng này bị vô hiệu hóa với tế bào ung thư. Không những vậy, tế bào ung thư còn có khả năng sử dụng hệ miễn dịch để tồn tại bằng cách phát tín hiệu giả.

4. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam hiện nay

Theo những con số mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê năm 2018, mỗi năm căn bệnh ung thư với 14.1 triệu ca mắc mới, cướp đi sinh mạng của 8.2 triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có tới 300.000 người phải chiến đấu với căn bệnh ung thư, trong số đó con số người tử vong lên đến 115.000 người.

Tỷ lệ các bệnh ung thư tại Việt Nam được thể hiện trong biểu đồ sau:

biểu đồ ung thư

Để đáp ứng khả năng chữa trị ung thư ngày càng cao, Việt Nam hiện có 8 bệnh viện chuyên khoa; 69 trung tâm, chuyên khoa, đơn vị chuyên chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Trong đó, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội là đơn vị chuyên chẩn đoán và điều trị ung thư hạng I của Bộ Quốc phòng. Hiện nay, Viện không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng khám và chữa bệnh cho quân và dân cả nước.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353