Ung thư vú và những điều cơ bản bạn cần biết

Ngày đăng: 27-03-2020 09:31:47

Ung thư vú là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất đối với chị em phụ nữ vì nó đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy việc nắm những thông tin cơ bản về bệnh là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội sẽ chia sẻ những kiến thức về K vú để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

1. Ung thư vú là như thế nào?

Ung thư vú (k vú) là tình trạng xuất hiện khối u ác tính ở tuyến vú. Nhiều người thường hiểu rằng ung thư vú chỉ xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những trường hợp nam giới bị mắc bệnh lý này.

Ung thư vú thường xuất phát từ các ống dẫn sữa, một số trường hợp có thể phát triển ở phần túi sữa hoặc các tiểu thùy. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, kích thước khối u ngày càng lớn hơn, xâm lấn và di căn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư vú chiếm đến 21% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Đây là số liệu được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới công bố vào năm 1998. Và cho đến nay số lượng các ca mắc bệnh ung thư vú đang ngày càng tăng lên. Tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư vú là khá lớn. Chính bởi vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi người.

ung-thu-vu-1

Xuất hiện khối ung thư ác tính ở tuyến vú

2. Những triệu chứng giúp nhận biết bệnh ung thư vú

Trước hết bạn cần lưu ý rằng những biểu hiện của bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng thường không thể hiện rõ ở giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên nếu bạn để ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể bạn có thể nhận biết được bệnh thông qua những triệu chứng sau.

2.1. Thay đổi da ở vùng ngực

Đây là một trong những dấu hiệu giúp bạn có thể nhận biết được bệnh. Nếu nhận thấy da vùng ngực có những thay đổi về màu sắc và tính chất như có các nếp nhăn, nốt sần như da quả cam, có vùng bị lõm xuống như lúm đồng tiền. Hoặc xuất hiện các nốt mụn nước bất thường ở vùng da ngực mãi không khỏi. Tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám sớm để kiểm tra, sàng lọc bệnh.

thay-đổi-da-ung-thư-vú

Thay đổi da ở vùng ngực

2.2. Nổi các hạch bất thường dưới da

Thông thường hạch chỉ nổi tại vùng da bị viêm. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể để cảnh báo tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng tại 1 bộ phận nào đó trên cơ thể. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên khoa chia sẻ, hạch nổi bất thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư vú. Đặc biệt là khi nổi hạch ở nách hoặc hạch thượng đòn.

Vì vậy nếu bạn nhận thấy mình nổi các hạch bất thường trong khi cơ thể không có các viêm nhiễm. Hoặc nổi các khối bướu, có chỗ dày cứng lên nhưng không đau ở vú thì hãy thăm khám để được kiểm tra ngay.

Đây là những triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất ở những bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh ung thư vú tiến triển theo nhiều giai đoạn. Để được chẩn đoán chính xác nhất bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và kiểm tra. Sau khi bác sĩ thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

3. Nguyên nhân nào gây nên bệnh ung thư vú?

Cho đến nay y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư vú là do đâu. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu dịch tễ chỉ ra rằng những yếu tố dưới đây thường làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú:

  • Những chị em có kinh nguyệt sớm sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nhất là những người có kinh nguyệt dưới 12 tuổi.
  • Chị em có con lần đầu khi đã qua tuổi 30 cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Những người có tiền sử mắc các bệnh như xơ nang tuyến vú hoặc những bệnh lý khác liên quan đến tuyến vú.
  • Gen di truyền chiếm đến khoảng 15% các trường hợp mắc bệnh ung thư vú hiện nay.
  • Sự thay đổi của nội tiết tố sinh dục cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi estrogen bị đẩy mạnh sẽ dẫn đến những biến đổi mô vú và dẫn đến sự phát triển của bệnh ung thư.
  • Yếu tố môi trường độc hại như môi trường sống, môi trường lao động... cũng được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Lối sống không khoa học, thiếu lành mạnh, lười vận động, béo phì, thiếu vitamin trong chế độ ăn uống. Những người thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nắm được các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh được tốt hơn.

4. Bệnh ung thư vú có chữa được không?

Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh ung thư vú vẫn hoàn toàn có thể chữa trị được. Đặc biệt là khi bạn phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ khỏi bệnh là rất cao. Để chữa bệnh bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

cac-giai-doan-ung-thu-vu

Các giai đoạn ung thư vú

4.1 Điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu (tiền ung thư, giai đoạn 0) là lúc các tế bào ung thư chưa xâm lấn và ảnh hưởng đến các mô khác và các hạch bạch huyết. Do vậy việc điều trị bệnh lúc này được đánh giá là mang lại hiệu quả tích cực nhất.

Phương pháp điều trị bệnh được áp dụng cho giai đoạn này là phẫu thuật kết hợp với xạ trị nhằm ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển, xâm lấn thêm. Theo đó các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u rồi sau đó sử dụng xạ trị để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.

Nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời ở giai đoạn này khả năng chữa khỏi bệnh có thể lên đến 90% thậm chí là 100%.

4.2 Điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn 1

Đây là giai đoạn mà các tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn và chia làm hai giai đoạn nhỏ.

  • Giai đoạn 1A kích thước khối u nhỏ hơn 2cm hoặc không có khối u và chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 1B Kích thước khối u nhỏ hơn 2cm hoặc không có khối u. Các tế bào ung thư đã xâm lấn đến hạch bạch huyết.

Phương pháp điều trị được chỉ định lúc này là phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị. Bác sĩ tiến hành cắt bỏ khối u hoặc các tuyến vú tùy thuộc vào kích thước, vị trí, tình trạng.... Sau đó sử dụng hóa trị, xạ trị kết hợp để loại bỏ các tế bào còn sót lại.

Điều trị bệnh ở giai đoạn này cơ hội khỏi bệnh có thể đạt được là khoảng 80 – 90%.

4.3. Điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn 2 (giai đoạn phát triển)

Giai đoạn này được gọi là giai đoạn bệnh phát triển và cũng được chia làm hai giai đoạn nhỏ là 2A và 2B. Nhìn chung các khối u có kích thước nhỏ hơn 5cm và đã xâm lấn đến các hạch bạch huyết.

Phương pháp điều trị được chỉ định thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc cả vú để ngăn chặn bệnh tiến triển thêm. Đồng thời cần xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư và hóa trị trong thời gian khá dài để tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân.

4.4. Điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn 3

Đây là giai đoạn bệnh đã lan rộng và được chia làm 3 giai đoạn nhỏ lần lượt là 3A, 3B, 3C.

  • Giai đoạn 3A: Kích thước khối u >5cm và các tế bào ung thư đã lan hầu hết các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn 3B: Các tế bào ung thư đã lan đến thành ngực, da của vú và khoảng 9 hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 3C: Các tế bào ung thư lan đến khoảng 10 hạch bạch huyết ở các vùng xung quanh và cả hạch vú trong.

Phương pháp điều trị được chỉ định vẫn là phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc toàn bộ vú của người bệnh. Có thể điều trị hóa chất trước khi ph ẫu thuật ẫu thuật để làm giảm kích thước khối u, kết hợp xạ trị dựa theo tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên hiệu quả điều trị bệnh ở giai đoạn này không còn cao như trước.

4.5. Điều trị bệnh ung thư vú giai đoạn 4

Đây là giai đoạn bệnh đã di căn (giai đoạn cuối). Lúc này các tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Phương pháp điều trị bệnh được lựa chọn chủ yếu là hóa trị với mục đích chính là giảm các triệu chứng của bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ngoài ra người bệnh có thể được điều trị kết hợp với 1 số phương pháp nhằm giảm đau đớn.

Với những thông tin mà Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội vừa chia sẻ, hy vọng bạn đọc đã có thêm những kiến thức cần thiết về bệnh ung thư vú. Qua đó chủ động phòng tránh cũng như phát hiện điều trị bệnh được sớm hơn và tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353