Phẫu thuật nội soi nhân tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Ngày đăng: 26-06-2020 17:08:30

Bệnh lý tuyến giáp là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Mỗi năm khoa Điều trị/ Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội phẫu thuật gần 1000 trường hợp, bao gồm cả phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật mở tuyến giáp sẹo luôn lộ ra ngoài khi sẹo lồi hoặc vết mổ dài sẹo không thẩm mỹ. Vài năm gần đây Viện đã triển khai phẫu thuật nội soi đường ngực - nách không có sẹo mổ vùng cổ. Với mục đích nhằm làm cho người bệnh hiểu hơn về phẫu thuật nội soi tuyến giáp, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề về chỉ định, kỹ thuật như sau:

1. CHỈ ĐỊNH:

- Bướu đơn nhân đường kính < 3cm, lành tính (dựa vào FNA trước mổ)

- Nhân < 1cm ác tính giai đoạn sớm, tuổi còn trẻ, có thể phẫu thuật bảo tồn

- Còn di động, không dính vào cơ quan xung quanh.

- Chức năng tuyến giáp: bình giáp.

- Mổ lần đầu.

- Bệnh nhân đồng ý phẫu thuật nội soi

2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Người bệnh có u giáp trạng đang có dấu hiệu cường giáp, suy giáp, nhân tái phát, có tiền sử chiếu xạ vùng cổ

- Người bệnh quá già yếu, người bệnh suy tim, suy thận nặng không có khả năng chịu đựng được phẫu thuật lớn.

3. CHUẨN BỊ PHẪU THUẬT

3.1. Người thực hiện: Phẫu thuật viên, có kiến thức vững vàng về giải phẫu sinh lý chức năng tuyến giáp. Cần một phẫu thuật viên và hai phụ mổ có kinh nghiệm.

3.2. Phương tiện:

- Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi cơ bản và dao hàn mạch siêu âm

- Phương tiện vô cảm, nội khí quản.

3.3. Hồ sơ bệnh án

- Theo quy định của Bộ Y tế

- Chú ý mô tả khối u, kích thước, các bệnh toàn thân khác phối hợp nếu có (bệnh tim mạch, tiểu đường…..)

4. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH

4.1. Vô cảm: Nội khí quản

4.2. Tư thế người bệnh:

Người bệnh nằm ngửa, đầu ngửa ra sau, độn gối dưới vai để ưỡn cổ, đầu cao, chân thấp, mắt nhìn thẳng lên trần để cổ thẳng.

Zalo
Hình ảnh: Tư thế và vị trí đặt Trocar khi phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại khoa điều trị

4.3. Cách đặt trocar:

Đặt 03 trocar gồm 01 trocar 10mm và 02 trocar 5mm: 01 trocar 10mm vị trí nếp lằn vú. 01 trocar 05mm quầng vú và 01 trocar 5mm mỏm cùng vai.

4.4. Bóc tách vạt da để tạo trường phẫu thuật:

Bóc tách giữa lớp dưới da và bờ trên cơ ngực lớn đến cơ ức đòn chũm. phẫu tích cơ ức đòn chũm và cơ vai móng đến bờ trên sụn giáp và xuống tới hõm ức. Nếu U to thì có thể tách rộng lên cao.

4.5. Bộ lộ tuyến giáp:

Mở dọc chính giữa theo các thớ của cơ ức giáp (thường cơ ức giáp dính vào bao tuyến giáp). Nếu u quá to thế cắt ngang các thớ cơ này. Thường cắt ngang cơ dưới ở 1/3 trên để khỏi làm thương tổn thần kinh các cơ này. Bộ lộ tuyến giáp. Toàn bộ tuyến giáp được bộc lộ và có thể đánh giá tổn thương dụng cụ nội soi.

4.6. Cắt toàn bộ thùy tuyến giáp:

Bất kể một phẫu thuật viên nào khi cắt toàn bộ thùy tuyến giáp đều phải chú ý tới hai thành phần: dây thần kinh quặt ngược và tuyến cận giáp. Hai thành phần trên đều có liên quan tới động mạch giáp dưới. Thông thường cắt thùy tuyến giáp chia làm 3 thì.

Thì một: Bó tách để giải phóng cực dưới tuyến giáp. Bóc tách cực dưới thùy tuyến giáp tới khi nhìn thấy dây quặt ngược đi vào dưới, trên hoặc giữa các nhanh của động mạch chia của động mạch tuyến giáp dưới. Khống chế các tĩnh mạch giáp dưới và những động mạch nuôi dưỡng nhu mô tuyến giáp bằng dao hàn mạch siêu âm. Cũng tại vị trí này phải chú trọng tới tuyến cận giáp dưới ngay bờ cực dưới của tuyến giáp và bóc tách chúng ra khỏi tuyến giáp. Dây thần kinh thanh quản quặt ngược thấy rất rõ, dừng lại ở đó để bóc tách giải phóng cực trên tuyến giáp.

Zalo
Hình ảnh: Bóc tách giải phóng thùy dưới tuyến giáp

Thì hai: Bóc tách cực trên tuyến giáp. Hàn mạch từng các nhánh chia của động mạch giáp trên và những tĩnh mạch tiếp xúc với nhu mô tuyến giáp bằng dao siêu âm. Đây là biện pháp tốt nhất để tránh cắt phải thần kinh thanh quản trên. Sau đó gạt thùy tuyến giáp vào trong, lúc đó sẽ cho phép nhìn rõ bóc tách thần kinh quặt ngược và tuyến cận giáp.

Thì ba: Phẫu tích dây thần kinh quặt ngược. Thì này là rất quan trọng vì nó đi cùng với sự phẫu tích bảo tồn tuyến cận giáp và các mạch máu nuôi dưỡng chúng. Khi nhìn thấy dây thần kinh quặt ngược thì phẫu tích thận trọng, nhưng thông thường là khá dễ dàng. Ở bên phải, đường đi của dây thần kinh quặt ngược đi chéo từ ngoài vào trong và từ thấp lên cao, đo sát vào khí quản khi nó ở ngang mức với động mạch giáp dưới. Ở bên trái, thần kinh quặt ngược trong khe khí – thực quản, ở nông khi nó ở vị trí giữa các nhánh chia của động mạch giáp dưới. Phẫu tích dây thần kinh quặt ngược cho tới khi đầu trên của nó đi vào thanh quản. Trước tiên cần phải đánh dấu vị trí các tuyến cận giáp, đặc biệt ở phía trên khi phẫu tích dây thần kinh quặt ngược. Hàn tất cả các mạch máu đã chia nhánh của động mạch giáp dưới bằng dao siêu âm hoặc bằng dao điện lưỡng cực để tránh các nguy cơ chảy máu sau mổ. Tiếp theo là bóc tách eo của tuyến giáp ra khỏi khí quản chú ý cắt hết cả thùy tháp của tuyến giáp, cầm máu mao mạch phía trước khí quản bằng dao điện lưỡng cực.

- Cầm máu kỹ.

- Lấy bệnh phẩm qua lỗ trocar 10mm.

Đặt 1 Sonde dẫn lưu qua lỗ trocar 10mm hút liên tục, đóng các lỗ trocar theo các lớp giải phẫu. Rút dẫn lưu sau khi dịch không còn chảy ra qua dẫn lưu, thông thường rút dẫn lưu sau 72 giờ.

5. THEO DÕI TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

5.1. Chảy máu: Có thể chảy từ động mạch hoặc tĩnh mạch do khi mổ hàn mạch cầm máu không tốt. Thường xuất hiện sau mổ trong vòng 4 – 6 giờ, vết mổ nề căng ra dần, dẫn lưu ra máu đỏ tươi, máu thấm ướt đẫm băng. Nếu chảy máu nhiều chèn ép gây khó thở cấp tính

Xử trí: Cắt ngay chỉ khâu lấy khối máu tụ rồi đưa ngay vào phòng mổ, đừng cố đặt ống nội khí quản vì lúc này khí quản bị đẩy lệch và có thể xẹp do khối máu tụ, mổ lại cầm máu.

5.2. Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Bằng cách xem giọng nói có thay đổi không.

Xử trí: Tùy tình trạng dây thanh mà có những xử trí thích hợp.

Theo BSCKII Nguyễn Đức Công - Chủ nhiệm khoa Điều trị/ Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353