Phẫu thuật u tuyến giáp có nguy hiểm không?

Ngày đăng: 23-06-2020 17:55:14

Phẫu thuật là một phương pháp thường được sử dụng trong điều trị khối u ở tuyến giáp. Phương pháp này được áp dụng với cả khối u lành và khối u ác. Nhiều người bệnh thắc mắc việc mổ u tuyến giáp có nguy hiểm không, có biến chứng gì không? Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội xin được giải đáp:

1. Trường hợp nào được chỉ định nên mổ u tuyến giáp?

Phẫu thuật là phương pháp điều trị u tuyến giáp phổ biến hiện nay, được nhiều bệnh viện áp dụng. Các bác sĩ sau khi chẩn đoán lâm sàng cũng như thực hiện các xét nghiệm phức tạp sẽ dựa vào các yếu tốt như: vị trí và kích thích khối u, u lành hay u ác, sức khỏe của bệnh nhân thế nào,….để quyết định có nên phẫu thuật hay không.

Đối với khối u tuyến giáp lành tính, những trường hợp sau sẽ được chỉ định mổ:

- Khi khối u có kích thước nhỏ từ 1 – 2 cm, người bệnh thường được chỉ định tự theo dõi tại nhà, không cần điều trị tại bệnh viện. Nếu thấy khối u to lên nhanh chóng hoặc xuất hiện tế bào ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.

- Khi khối u lành tuyến giáp có kích thước trung bình từ 2 – 3 cm, người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng hormone tuyến giáp L-T4 khoảng 6 tháng. Nếu khối u nhỏ dần, người bệnh sẽ được tiếp tục điều trị bằng hormone. Khi khối u lớn dần hoặc không có dấu hiệu nhỏ đi, người bệnh sẽ được chỉ định mổ.

- Với những khối u có kích thước lớn trên 4cm, chèn ép các cơ quan ở cổ như thanh quản hay thực quản, bệnh nhân sẽ được chỉ định ngay lập tức để không ảnh hưởng đến hoạt động thở và ăn.

phẫu thuật tuyến giáp

Đối với trường hợp khối u được chẩn đoán là ác tính, phương pháp phẫu thuật được sử dụng nhiều hơn. Thông thường, khi bị ung thư tuyến giáp, người bệnh sẽ được chỉ định cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, chỉ có tỷ lệ nhỏ chỉ định cắt một phần khối u. U ác tuyến giáp thể nhú và thể nang là loại K giáp thường được chỉ định phẫu thuật nhất. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc xạ trị.

2. Phẫu thuật u tuyến giáp có nguy hiểm không?

Có thể thấy mổ u tuyến giáp không còn xa lạ với người bệnh. Biện pháp này được áp dụng rất nhiều trong điều trị u bướu tuyến giáp. Vậy mổ u tuyến giáp có nguy hiểm không?

Có thể nhận định, phẫu thuật khối u tuyến giáp là một phẫu thuật có tính an toàn cao, ít biến chứng mà mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng để lại một số tác dụng phụ không mong muốn như:

- Khàn tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn, một số trường hợp có thể bị mất tiếng do dây thần kinh thanh quản bị chấn thương.

- Tụt chỉ số canxi do khi mổ gây tổn thương tuyến cận giáp, làm rối loạn chức năng kiểm soát nồng độ canxi trong máu, khiến nồng độ canxi xuống thấp. Ảnh hưởng của tình trạng này đến cơ thể là co thắt cơ bắp, tê cứng tay và ngứa ở các đầu ngón tay.

- Vết mổ bị nhiễm trùng, chảy máu nhiều hoặc hình thành các cục máu đông.

- Để lại vết sẹo lớn kém thẩm mỹ.

Mặc dù là một phương pháp điều trị hiệu quả, tuy nhiên người bệnh không được lạm dụng mổ tuyến giáp. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn và sử dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trước khi mổ cần tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ để xem xét xem tình trạng của mình mổ u tuyến giáp có nguy hiểm không.

3. Những lưu ý sau khi mổ u tuyến giáp

Sau khi phẫu thuật tuyến giáp, để đảm bảo an toàn và hiệu quả sau điều trị cho người bệnh, cần lưu ý:

Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

Sau khi mổ sẽ tạo thành vết thương ở bên trong tuyến giáp cũng như vùng da lân cận. Nếu không chăm sóc tốt vết thương sẽ rất dễ dẫn đến tính trạng nhiễm trùng. Sau mổ người bệnh cần sát khuẩn vết thương và thay băng mỗi ngày một lần. Thường sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ gặp tình trạng sưng nhẹ và thâm tím ở vết mổ. Nhưng sau vài ngày tình trạng này sẽ biến mất. Nếu tình trạng thâm tím và sưng đau ngày càng nặng, hãy báo với bác sĩ ngay để được khám và xử lý kịp thời.

Sau 10 ngày phẫu thuật, bạn cần hạn chế để vết mổ tiếp xúc với nước cũng như tham gia các hoạt động thể lực mạnh. Ngoài ra, người bệnh nên ở lại bệnh viện khoảng 1 tuần để theo dõi vết mổ và phục hồi tốt nhất.

Có cần kiêng nói không?

Mặc dù tuyến giáp không ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nói, tuy nhiên hai bộ phận này lại có vị trí gần nhau. Sau khi phẫu thuật u tuyến giáp, người bệnh sẽ cảm thấy đau và căng cứng ở cổ. Khi nói cảm giác đau và căng cứng sẽ tăng lên. Vì vậy, mặc dù không cần kiêng nói sau phẫu thuật nhưng người bệnh cũng cần hạn chế nói nhiều, nói nhanh để vết thương chóng hồi phục.

Sau mổ có cần kiêng vận động không?

Sau khi mổ tuyến giáp, người bệnh được khuyên nghỉ ngơi. Tùy thuộc vào việc bổ mở hay mổ nội soi mà thời gian bình phục của bệnh nhân sẽ khác nhau. Thông thường, bệnh nhân cần phẫu thuật tuyến giáp sẽ được chỉ định nghỉ ngơi từ 1 – 2 tuần sau đó có thể sinh hoạt bình thường. Cần hạn chế khiêng vác nặng hoặc chơi thể thao quá sức trong giai đoạn này vì sẽ ảnh hưởng đến vết thương.

hậu phẫu

Giữ tinh thần thoải mái

Một tinh thần thoải mái sẽ giúp vết mổ u tuyến giáp nhanh lành hơn. Sau mổ người bệnh có thể thư giãn nhẹ nhàng như nghe nhạc, xem phim, đọc sách,...Tuy nhiên, cần lưu ý đến giờ giấc, tuyệt đối không thức khuya. Việc giải trí bằng các thiết bị điện tử cùng cần hạn chế, tránh sử dụng trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến vết mổ và sức khỏe của người bệnh.

Tóm lại, phẫu thuật u tuyến giáp là một phẫu thuật có độ an toàn cao. Đây là phương pháp đơn giản giúp diệt tận gốc khối u, mang lại hiệu quả điều trị tích cực. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý sau khi phẫu thuật, ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để vết mổ liền nhanh nhất. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về câu hỏi mổ u tuyến giáp có nguy hiểm không, hãy liên hệ với Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội theo số máy: 0243 855 2353 để được giải đáp.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353