TỔNG QUAN VỀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ngày đăng: 17-09-2020 08:24:01

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam và phụ nữ trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 6000 ca mắc bệnh mới, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Hãy cùng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội tìm hiểu về căn bệnh này:

1. Nguyên nhân bệnh ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư cổ tử cung là bệnh gây ra bởi sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của tế bào ở cổ tử cung. Chúng phát triển âm thầm và tạo ra khối u ác tính. Bệnh đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như:

-  Nhiễm virus HPV, chủ yếu là HPV 16 và 18.

- Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do thuốc lá có chứa hơn 7000 chất độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư.

- Người mắc HIV/AIDS khiến hệ thống miễn dịch bị suy giảm

- Người bị nhiễm các bệnh qua đường tình dục như Herpes sinh dục, HIV, Chlamydia,...

- Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, người sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần

- Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên và sinh con trước 17 tuổi

- Phụ nữ thừa cân béo phì khiến lượng hormone Estrogen dư thừa

- Người ăn ít trái cây, rau củ quả có khả năng mắc bệnh cao hơn.

- Tiền sử gia đình ba đời có người bị mắc bệnh ung thư cổ tử cung

- Điều kiện sống khó khăn, không chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh ung thư cổ tử cung

Khi có các dấu hiệu sau đây bạn hãy đặc biệt cẩn trọng với bệnh ung thư cổ tử cung:

- Ra máu bất thường ở âm đạo: Đây là một biểu hiện tiêu biểu của bệnh ung thư cổ tử cung. Người bệnh sẽ thấy máu xuất hiện ở những ngày không phải kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau thời kỳ mãn kinh.

-  Dịch âm đạo có mùi hôi khó chịu: Thay đổi của mùi dịch âm đạo là báo hiệu cho thấy hệ sinh sản của bạn không khỏe mạnh. Khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung, dịch âm đạo sẽ nhiều bất thường, có màu xanh hoặc vàng lẫn mủ máu. Đây cũng là dấu hiệu của nhiều loại bệnh viêm nhiễm khác ở âm đạo, vì vậy bạn cần đến gặp bác sĩ để biết kết quả chính xác.

- Đau rát khi quan hệ tình dục: Người bệnh sẽ có cảm giác đau rát khó chịu khi quan hệ và sau quan hệ. Đây cũng là biểu hiện của nhiều bệnh phụ khoa khác.

- Đau vùng xương chậu và đau lưng dưới: Nhiều người cho rằng đau lưng là dấu hiệu bình thường của phụ nữ trong quá trình rụng trứng và sắp đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cơn đau âm ỉ, thỉnh thoảng đau buốt tại khu vực xương chậu, hông kéo đến lưng dưới thì bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức.

- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt là báo hiệu khá chuẩn xác cho tình hình sức khỏe của phụ nữ. Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, hay chậm kinh, rong kinh, máu kinh có màu đen sẫm thì đây chính là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Bệnh sẽ gây ra rối loạn hormone, ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng.

- Thay đổi thói quen đi tiểu: Người bệnh thường có triệu chứng đi tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát được hoặc nước tiểu có lẫn máu.

- Chân sưng đau: Điều này là do khối u ở cổ tử cung lớn dần gây chèn ép các dây thần kinh và mạch máu ở xương chậu. Cảm giác sưng đau sẽ lan truyền từ xương chậu cho đến vùng chân.

3. Mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một bệnh nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ xâm lấn đến các cơ quan lân cận gây suy thận, thiếu máu, phù chân tay. Trong giai đoạn di căn, bệnh sẽ di chuyển đến các bộ phận như phổi, gan, xương,... khiến người bệnh suy kiệt và tử vong nhanh chóng. Khi mắc bệnh ung thư cổ, phụ nữ bắt buộc phải cắt bỏ hoàn toàn bộ phận này. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ mất khả năng sinh con.

Mặc dù là một bệnh ung thư nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung lại phát triển chậm, âm thầm trong cơ thể. Bệnh có thể diễn tiền từ 10 – 15 năm. Việc khám định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, nâng cao khả năng điều trị. Thực tế cho thấy rằng ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm thì người bệnh có thể sống trên 5 năm với tỷ lệ rất cao. Cụ thể như sau:

-  Ung thư cổ tử cung thể nhẹ, ung thư tại chỗ có tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm là 96% khi được điều trị.

- Ung thư cổ tử cung giai đoạn I – bắt đầu xuất hiện các tế bào ung thư, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm khoảng 80 – 90%.

- Ung thư tử cung giai đoạn II – tiền ung thư, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm là 50 – 60% nếu được điều trị tích cực.

- Ung thư cổ tử cung giai đoạn III – ung thư chưa di căn, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm là 25 – 35%.

- Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV – ung thư đã di căn đến các bộ phận khác, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm là 15%

-  Bệnh nhân tái phát ung thư tử cung có thời gian sống trên 5 năm chỉ dưới 10%

Như vậy, có thể thấy rằng việc phát hiện bệnh sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị bệnh.

4. Phương pháp phòng bệnh

Để ung thư cổ tử cung không còn là nỗi lo, phụ nữ cần thực hiện 5 biện pháp phòng bệnh sau:

+ Thứ nhất: Thực hiện toàn soát ung thư cổ tử cung

Việc tầm soát ung thư cổ tử cung cần được thực hiện thường xuyên. Tùy vào từng nhóm đối tượng khác nhau mà việc tầm soát sẽ có mốc thời gian khác nhau. Cụ thể như sau:

- Người dưới 21 tuổi: không nên thực hiện tầm soát để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

- Từ 21 – 29 tuổi: Xét nghiệm PAP 3 năm/lần.

- Từ 30 – 65 tuổi: Xét nghiệm PAP + xét nghiệm HPV 5 năm/ lần hoặc làm xét nghiệm PAP 3 năm/lần.

- Người trên 65 tuổi: Nếu các kết quả trước tốt có thể ngừng kiểm tra. Nếu kết quả không tốt nên kiểm tra 1 năm/ lần.

- Người đã cắt bỏ tử cung và cổ tử cung: Không cần kiểm tra

- Người đã cắt bỏ tử cung và không cắt bỏ cổ tử cung: Tiếp tục kiểm tra theo độ tuổi như trên.

-  Phụ nữ đã tiêm đầy đủ vắc xin HPV: tiếp tục tầm soát định kỳ theo độ tuổi như trên.

+ Thứ 2: Tiêm ngừa vacxin HPV với phụ nữ từ 9 – 26 tuổi. Sau 26 tuổi việc tiêm vacxin sẽ không còn hiệu quả.

+ Thứ 3: Vệ sinh đường sinh dục đúng cách hàng ngày, sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên trong những ngày hành kinh.

+ Thứ 4: Hạn chế khả năng lây nhiễm HPV, HSV, HIV, Chlamydia bằng cách quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, quan hệ 1 vợ 1 chồng.

+ Thứ 5: Xây dựng cho bản thân lối sống khoa học, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, chế độ ăn nhiều rau củ quả, tập thể dục thường xuyên.

Trên đây là các kiến thức cơ bản về bệnh ung thư cổ tử cung. Việc tầm soát mang lại ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa và điều trị bệnh. Chính vì vậy bạn cần thăm khám sức khỏe thường xuyên, tầm soát ung thư theo định kỳ để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353