Top 5 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả nhất hiện nay

Ngày đăng: 03-04-2020 17:48:55

Điều trị ung thư tuyến giáp thường sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nhu cầu của bệnh nhân cũng như chi phí điều trị. Dưới đây là 5 phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả nhất hiện nay:

1. Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật tuyến giáp là cắt bỏ khối u và một phần các mô lành xung quanh khối u. Tùy thuộc vào kích thước cũng như khu trú của khối u mà có các loại phẫu thuật như sau:

- Cắt thùy giáp: Cắt bỏ hoàn toàn thùy tuyến giáp bao gồm khối ung thư

- Cắt gần toàn bộ tuyến giáp: Cắt bỏ gần như toàn bộ tuyến giáp chỉ để lại một phần nhỏ không chứa tế bào ung thư

- Cắt toàn bộ tuyến giáp: Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp trên cơ thể.

phẫu-thuật-tuyến-giáp

Một ca phẫu thuật tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Hiện nay có 3 phương pháp phẫu thuật khác nhau được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp gồm:

+  Phương pháp cắt tuyến giáp chuẩn: Bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch một đường nhỏ trùng với nếp lằn cổ. Bác sĩ dùng các dụng cụ phẫu thuật tiếp xúc trực tiếp với tuyến giáp của bệnh nhân.  Ưu điểm của phương pháp này có thể qua sát trực tiếp tuyến giáp và hạch cổ, thực hiện đơn giản tuy nhiên sẽ để lại sẹo.

+ Cắt tuyến giáp bằng phương pháp nội soi: Bác sĩ phẫu thuật có thể đi vào vị trí giường tuyến giáp theo đường nách hoặc vết rạch vùng dưới cằm . Màn hình video và dụng cụ nội soi sẽ được sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Phương pháp này sẽ để lại sẹo nhỏ hơn phương pháp cắt tuyến giáp chuẩn.

mổ-nội-soi

Một ca mổ nội soi tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

+ Cắt tuyến giáp bằng robot: Đây là phương pháp phẫu thuật tuyến giáp hiện đại nhất hiện nay. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ ở nách, chân tóc, cổ hoặc ngực sau đó sử dụng công cụ robot để phẫu thuật tuyến giáp. Phương pháp này mang lại tính thẩm mỹ cao tuy nhiên đây không phải phương pháp tối ưu được bác sĩ khuyến cáo.

Nhìn chung phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp được xem là khá an toàn. Tuy nhiên, khả năng di chứng sau phẫu thuật vẫn còn với các biến chứng như: Liệt dây thần kinh quặt ngược, suy tuyến cận giáp, chảy máu sau phẫu thuật, rò dịch dưỡng chấp...

2. Điều trị ung thư tuyến giáp bằng hormone

Tất cả bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp đều cần điều trị bằng hormone thay thế. Lượng hormone này sẽ thay thế hormone tuyến giáp để tham gia vào các hoạt động của cơ thể. Lượng hormone này cũng có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào ung thư biệt hóa còn sót lại sau phẫu thuật.

Các loại hormone thay thế được sử dụng phổ biến hiện nay gồm: levothyroxine, Levothroid, Levoxyl, Synthroid, Tirosint, Unithroid,....trong đó Levothyroxine là loại hormone được dùng phổ biến nhất. Loại hormone này được chỉ định dùng liên tục hàng ngày để bổ sung nhu cầu hoạt động của cơ thể. Để tránh hormone có tác dụng phụ khi tương tác với các chất khác trong thức ăn hàng ngày bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về các thực phẩm nên và không nên sử dụng.

Trong tháng đầu tiên điều trị ung thư tuyến giáp bằng hormone người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như phát ban, rụng tóc. Khi lượng hormone tuyến giáp dư thừa sẽ gây ra tình trạng cường giáp. Triệu chứng cụ thể của tình trạng này gồm: sụt cân, tức ngực, tim đập loạn, lạc nhịp, nhanh, đau bụng, tiêu chảy, vã mồ hôi, loãng xương. Ngược lại khi có quá ít hormone tuyến giáp sẽ gây nên tình trạng thiểu năng giáp. Triệu chứng cụ thể gồm: mệt mỏi, tăng cân, da và tóc khô, cơ thể thấy lạnh.

Mỗi thể trạng bệnh nhân khác nhau sẽ cần liều lượng hormone điều trị khác nhau. Vì vậy người bệnh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, thông báo ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường.

3. Xạ trị bằng I-ốt phóng xạ

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng I-ốt phóng xạ I-131 được chỉ định chủ yếu cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú hoặc thể nang). Đồng vị I-131 có thể tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp sau phẫu thuật. Với những bệnh nhân di căn tới hạch bạch huyết hoặc di căn xa thì đây là phương pháp điều trị bắt buộc. Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc thể không biệt hóa sẽ không được chỉ định điều trị với phương pháp này.

xếp hàng uống I-131

Bệnh nhân chuẩn bị uống I-131 tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

I-131 được sử dụng điều trị ở thể lỏng hoặc dạng viên nén với liều lượng điều trị cụ thể như sau:

- Liều loại bỏ mô giáp sót: 30-100 mCi

- Khi bệnh đã có di căn vùng liều cho là: 100-150mCi

- Khi bệnh đã có di căn xa liều cho là 150 - 200mCi.

- Trẻ em dùng liều 1 mCi /kg thể trọng

Tổng liều có thể tới 1200 -1500 mCi.

Điều trị bằng I-ốt phóng xạ liều cao hoặc thời gian dài sẽ làm tăng khả năng vô sinh, đặc biệt là ở nam giới. Phụ nữ được khuyến cáo mang thai ít nhất sau một năm điều trị với I-131 để tránh dị tật thai nhi.

4. Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp xạ trị ngoài

Điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp xạ trị ngoài là phương pháp dùng tia X năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư trong cơ thể. Phương pháp này đòi hỏi thời gian điều trị tương đối dài với liệu trình 5 ngày/ tuần và từ 5 – 6 tuần cho một đợt điều trị. Điều này bắt buộc bệnh nhân phải điều trị dưới hình thức ngoại trú.

Phương pháp xạ trị thường chỉ được chỉ định với trường hợp ung thư tuyến giáp di căn vào khí quản, thanh quản và thực quản. Xạ trị sẽ được sử dụng sau phẫu thuật, tập trung ở một vùng cụ thể để tránh gây ảnh hưởng đến tế bào các vùng khác.

máy xạ trị

Máy chiếu xạ gia tốc đa lá chì Elekta/ Anh hiện đại tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội

Phương pháp xạ trị đem lại một số tác dụng phụ phụ thuộc vào liều lượng và thời gian xạ trị. Các triệu chứng thường gặp gồm: đỏ da, đau cổ khi nuốt, ho, khàn tiếng, mệt mỏi, buồn nôn. Các triệu chứng trên sẽ biến mất khi dừng điều trị bằng tia X.

5. Sử dụng phương pháp hóa trị

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bằng hóa trị là việc sử dụng hóa chất để phá hủy tế bào ung thư. Cách này làm ngừng sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Phương pháp này có thể sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau trong quá trình điều trị.

Cơ chế tác động của hóa trị là đưa hóa chất vào máu để đến tế bào ung thư. Có 2 cách thông thường được sử dụng khi hóa trị là đặt đường truyền vào trong tĩnh mạch hoặc uống thuốc dạng viên nén hoặc viên nang. Mục đích của quá trình hóa trị là tiêu diệt tế bào khối u còn lại sau phẫu thuật, giảm triệu chứng bệnh và làm chậm quá trình phát triển của khối u.

Phương pháp hóa trị có một số tác dụng không mong muốn như: mệt mỏi, nhiễm trùng, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy. Khi kết thúc điều trị hóa trị các triệu chứng này sẽ biến mất.

Hiện nay tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đang áp dụng đồng thời các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp trên dựa theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Để được khám và điều trị kịp thời bệnh ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể gọi đến Hotline tư vấn của Viện theo số điện thoại: 024 3855 2353 hoặc đến trực tiếp tại địa chỉ: VIỆN Y HỌC PHÓNG XẠ VÀ U BƯỚU QUÂN ĐỘI - Số 18 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353