Hiểu về bệnh tuyến giáp và dấu hiệu nhận biết bệnh sớm nhất!

Ngày đăng: 07-04-2020 12:03:29

Bệnh tuyến giáp là một bệnh phổ biến với nhiều loại bệnh khác nhau như: bệnh suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp, bướu cổ, rối loạn tuyến giáp, ung thư tuyến giáp,…. Dưới đây là 10 dấu hiệu bạn có thể phát hiện bệnh sớm nhất nhất

HIỂU VỀ TUYẾN GIÁP

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ của con người. Tuyến giáp gồm có 3 bộ phận là: thùy giáp phải, thùy giáp trái và eo tuyến giáp. Chức năng của tuyến giáp là sản xuất và giải phóng hormone giúp cơ thể sinh trưởng, phát triển và duy trì sự sống. Tuyến giáp tuy có kích thước rất nhỏ nhưng lại rất dễ bị xâm nhập gây ra tình trạng viêm nhiễm, rối loạn chức năng hormone, ung thư gây hại đến sức khỏe con người.

hình ảnh tuyến giáp

Hình ảnh tuyến giáp

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bệnh tuyến giáp chiếm tới 30% bệnh lý ở người từ 18 – 65 tuổi. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo độ tuổi và nữ giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều gấp 5 lần nam giới. Có tới 60 % người bệnh không biết mình mắc bệnh, cho đến khi bệnh tiến triển nặng mới phát hiện. Điều này khiến quá trình khám và điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Vì vậy việc phát hiện sớm các bệnh tuyến giáp sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trong quá trình chữa trị.

CÁC BỆNH TUYẾN GIÁP THƯỜNG GẶP

1. Bệnh suy giáp

Suy giáp là bệnh liên quan đến chức năng tiết hormone tuyến giáp. Khi bị suy giáp, người bệnh sẽ không có đủ lượng hormone tuyến giáp T4 để đáp ứng các hoạt động của cơ thể. Bệnh tuyến giáp này thường có các biểu hiện như: mệt mỏi, buồn ngủ, suy giảm trí nhớ, khản tiếng, da dẻ khô, nhức mỏi cơ bắp,…. Bệnh suy giáp thường được điều trị bằng thuốc Thyroxin trong một thời gian ngắn hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ bệnh của bệnh nhân.

dấu hiệu suy giáp

2. Bệnh cường giáp

Ngược lại với suy giáp, cường giáp là bệnh do tuyến giáp tiết quá nhiều hormone T4. Bệnh có các biểu hiện như: căng thẳng, mất ngủ, thay đổi tính tình, chân tay run rẩy, cơ thể suy nhược, sụt cân, khó thở, đánh trống ngực,…. Hiện nay có khá nhiều cách được áp dụng trong điều trị bệnh cường giáp như: điều trị bằng thuốc, sử dụng Iốt phóng xạ hay phẫu thuật cắt bỏ một phần giáp trạng.

3. Bướu lành tuyến giáp

Bướu lành tuyến giáp là bệnh tuyến giáp thường gặp nhất. Người bệnh sẽ bị sưng tuyến giáp, hình thành khối u nổi lên tuy nhiên sờ vào không thấy đau đớn. Lượng hormone T4 tuyến giáp sản sinh vẫn ở mức độ bình thường, không có dấu hiệu bất thường nào về nội tiết. Khối u to ở cổ khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, khó nuốt và hay ho. Các trường hợp bướu lành tuyến giáp thường gặp gồm:

- Bướu to đều không có cảm giác đau

- Bướu hình thành các cục lổn nhổn

- Hình thành một vị trí to tròn trên tuyến giáp

Biện pháp phổ biến nhất hiện nay để điều trị bướu lành tuyến giáp là phẫu thuật hoặc dùng thuốc nếu bướu nhỏ, mới phát triển.

4. Ung thư tuyến giáp

Đây là bệnh tuyến giáp chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại có độ nguy hiểm cao. Trong tuyến giáp hình thành khối u ác tính có hạch nổi lên bất thường ở xung quanh. Người bệnh mắc K giáp thường có biểu hiện như chịu nóng kém, nhiều mồ hôi, chân tay run rẩy, sụt cân, hồi hộp, khó thở, lượng máu kinh ít ở phụ nữ.

Bệnh có nhiều dạng khác nhau như: K giáp nhú, K giáp nang, K giáp không biệt hóa, K giáp Lympho,… Mỗi loại bệnh sẽ có phương pháp và phác đồ điều trị riêng.

10 DẤU HIỆU CẢNH BÁO BẠN MẮC BỆNH TUYẾN GIÁP

1. Cổ sưng, xuất hiện bướu

Biểu hiện rõ ràng nhất của bướu cổ, bướu giáp hay viêm giáp là phần cổ xuất hiện bướu và sưng to. Tình trạng này luôn xuất hiện khi cơ thể thiếu Iốt thời gian dài. Bướu cổ làm mất thẩm mỹ, khó khăn trong nói chuyện và hô hấp.

cổ sưng

2. Đau cơ khớp

Nhiều người không biết rằng đau cơ khớp là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp. Khi bạn cảm thấy cánh tay tê ngứa thì đó rất có thể là cảnh báo về bệnh suy giáp. Khi lượng hormone tuyến giáp tiết ra không đủ não sẽ dần truyền thông tin đến các cơ chậm hơn dẫn đến tê ngứa. Với bệnh cường giáp, các khớp sẽ có triệu chứng bị ngứa và các chi khó phối hợp.

3. Tóc và da xuống cấp

Khi bạn mắc bệnh tuyến giáp, cụ thể là suy giáp sẽ dần đến tình trạng tóc yếu, xơ và dễ gãy. Làn da cũng trở nên khô ráo, thiếu nước và bong tróc. Tình trạng này xảy ra là do các hormone bị rối loạn khiến tóc không thể phát triển, bị thiếu dinh dưỡng. làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn.

4. Kinh nguyệt không đều

Kinh nguyệt không đều là triệu chứng của nhiều bệnh trong đó có bệnh tuyến giáp. Khi bạn nhận thấy kỳ kinh nguyệt ngắn, xuất hiện ít thì đó rất có thể là bệnh cường giáp. Ngược lại khi chu kỳ ngắn, số lượng ngày kinh dài thì đó là dấu hiệu của suy giáp. Lượng hormone thay đổi dẫn đến thay đổi của chu kỳ kéo theo rối loạn hoạt động của nang trứng khiến quá trình thụ tinh khó khăn hơn.

5. Nhu cầu tình dục giảm sút

Hầu hết các bệnh tuyến giáp đều liên quan đến hormone. Hormone lại có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa nhu cầu tình dục của cơ thể. Khi các bệnh lý tuyến giáp phát triển âm thầm sẽ làm mất đi cân bằng nội tiết tố estrogen khiến người bệnh không còn ham muốn tình dịch với bạn tình. Bệnh cũng tác động trực tiếp tới chu kỳ rụng trứng của phụ nữ.

6. Thay đổi hàm lượng Cholesterol trong máu

Các xét nghiệm máu cho thấy người mắc bệnh tuyến giáp có hàm lượng cholesterol trong máu thay đổi thất thường. Vì vậy khi thấy hàm lượng cholesterol trong máu tăng hoặc giảm bất thường khi bạn không sử dụng thuốc hãy đi khám ngay để phát hiện bệnh kịp thời.

7. Các vấn đề về tiêu hóa

Lượng hormone tuyến giáp thay đổi cũng khiến chức năng tiêu hóa của cơ thể thay đổi. Người mắc bệnh cường giáp thường kèm theo chứng tiêu chảy và đau bụng. Người mắc bệnh suy giáp sẽ kèm theo chứng đầy bụng và táo bón. Nếu bạn gặp các chứng bệnh tiêu hóa này kéo dài, hãy đi khám ngay để phát hiện bệnh tuyến giáp kịp thời.

8. Cao huyết áp là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp

Khi lượng hormone tuyến giáp thay đổi hoạt động của tim mạch cũng thay đổi theo. Các cơn kích thích tim tăng lên làm tăng giảm nhịp tim thất thường. Tình trạng này khiến huyết áp của bạn thất thường, lúc tăng lúc giáp. Nếu huyết áp cao dần đều, bạn rất có thể đang mắc bệnh suy giáp.

9. Tâm trạng lo lắng, cơ thể mệt mỏi

Nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm. lo âu, mệt mỏi kéo dài thì bạn rất có thể mắc bệnh tuyến giáp. Khi lượng hormone tuyến giáp suy giảm, cơ thể sẽ không được thúc đẩy dẫn đến tình trạng mệt mỏi uể oải. Bệnh cường giáp cũng khiến người bệnh khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc. Hormone tuyến giáp cũng khiến hormone vui vẻ Serotonin giảm. Đó là lý do bạn luôn cảm thấy khó chịu, buồn phiền.

10. Cân nặng thay đổi thất thường

Khi mắc bệnh cường giáp người bệnh luôn có cảm giác đói và thèm ăn nhưng cân nặng vẫn giảm. Ngược lại, với bệnh suy giáp, người bệnh chán ăn, ăn ít nhưng cân nặng cơ thể vấn tăng bất thường. Vì vậy khi thấy chế độ ăn của bạn không thay đổi mà cân nặng lại thay đổi thất thường thì bạn cần đi khám ngay để phát hiện bệnh tuyến giáp.

Khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe kể trên, bạn cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị sớm các bệnh tuyến giáp. Tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, bệnh lý về tuyến giáp sẽ được phát hiện sớm và nhanh nhất thông qua các xét nghiệm, biện pháp khám và hội chẩn hiện đại nhất hiện nay. Người bệnh có thể liên hệ qua hotline của Viện để được sắp xếp lịch khám sớm nhất.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353