Có nên sàng lọc ung thư tuyến giáp không?!

Ngày đăng: 26-10-2020 08:42:04

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình trao đổi chất, phát triển sinh lý của con người. Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý của tuyến giáp xuất hiện do các đột biến gen làm thay đổi bản chất của tế bào tuyến giáp, làm các tế bào tuyến giáp phát triển không ngừng và không tuân theo chương trình chết tế bào của cơ thể. Theo Globocan năm 2012, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ giới và có xu hướng ngày càng tăng. May mắn, ung thư tuyến giáp lại là bệnh tiến triển chậm và có thể chữa được khỏi hoàn toàn cao. Vì vậy, việc phát hiện sớm ung thư tuyến giáp để có chiến lược theo dõi và kịp thời là cần thiết. Các phương pháp sàng lọc ung thư tuyến giáp với chi phí thấp và độ chính xác cao phù hợp với điều kiện đại đa số người dân Việt Nam.

1. Đối tượng sàng lọc ung thư tuyến giáp:

1.1. Những đối tượng nên sàng lọc ung thư tuyến giáp:

- Nữ giới, tuổi từ 30 – 50

- Rối loạn hệ miễn dịch được xem là một trong những nguyên nhân gây bệnh

- Gia đình có người mắc bướu cổ hoặc sống trong khu vực có nhiều người bướu cổ

- Mắc các bệnh tuyến giáp đã được chẩn đoán: nhân tuyến giáp, basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto..

- Phơi nhiễm bức xạ liều cao, hoặc nhiễm phóng xạ...

1.2. Một số khuyến cáo tranh cãi:

Do hiệu quả tuyệt vời trong điều trị ung thư tuyến giáp với I-131 và sorafenib khi ung thư tuyến giáp tái phát, di căn (khi thất bại với I-131). Lực lượng đặc nhiệm phòng bệnh của Mỹ (U.S Preventive services task force) đã hướng dẫn:

- Không sàng lọc ung thư tuyến giáp cho người lớn không có triệu chứng

- Không có bằng chứng đầy đủ về mức độ chính xác của khám lâm sàng và siêu âm để sàng lọc ung thư tuyến giáp ở người không có triệu chứng.

- Sàng lọc ung thư tuyến giáp ở những người không có triệu chứng dẫn đến những tác hại lớn hơn lợi ích.

* Triệu chứng bao gồm: nuốt nghẹn, sờ thấy u, hạch cổ, những nhóm người thuộc nguy cơ mắc cao (mục 1.1)

2. Các biện pháp sàng lọc ung thư tuyến giáp:

2.1. Khám lâm sàng:

Do tuyến giáp nằm ngay dưới da và tổ chức dưới da tại vùng cổ trước nên bạn hoàn toàn có thể kiểm tra tại nhà bằng cách: tự sờ nắn vùng cổ, soi gương và quan sát vùng cổ khi nuốt để phát hiện u. Nếu phát hiện, hoặc thấy các triệu chứng như: khàn tiếng lâu ngày, nuốt vướng... bạn nên tới khám để xác định nguyên nhân. Rất có thể u tuyến giáp là nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó.

Khám lâm sàng

2.2. Siêu âm:

Siêu âm là phương pháp sàng lọc ung thư tuyến giáp có kết quả chính xác cao. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tái tạo lại hình ảnh tuyến giáp trên màn hình máy tính. Từ đó xác định những bất thường của tuyến giáp, xem nhân tuyến giáp dạng rắn hay lỏng, đồng thời kiểm tra được số lượng, kích thước và sự căn hạch cổ (nếu có).

Trên siêu âm, bác sĩ căn cứ vào một số đặc điểm của nhân tuyến giáp mà có thể phân loại nguy cơ ung thư tuyến giáp của nhân tuyến giáp đó (Bảng phân loại TIRADS).

siêu âm tuyến giáp Siêu âm tuyến giáp 

2.3. Xét nghiệm tế bào bằng kim nhỏ

Khi có nhân tuyến giáp tùy theo kích thước và mức động nghi ngờ ác tính trên siêu âm mà bác sĩ sẽ chỉ định chọc tế bào để xác định bản chất u.

Chọc tế bào bằng kim nhỏ là 1 thủ thuật đơn giản, độ chính xác, không có biến chứng; phần tế bào lấy ra được bác sĩ giải phẫu bệnh đọc trên kính hiển vi và kết luận. Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. Thông thường, chọc tế báo được làm trực tiếp với những u kích thước lớn sờ thấy được, hoặc  qua hướng dẫn siêu âm với những u không sờ thấy.

chọc tế bào

Tuy nhiên, do thành phần tế bào trong khối u sẽ bao gồm cả phần lành tính và ác tính. Vì vậy, không phải lúc nào chọc tế bào cũng là chính xác, đôi khi bác sĩ khám cho bạn cần căn cứ dựa trên cả lâm sàng, siêu âm (phân loại TIRADS) để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

3. Kết luận

Mặc dù có khuyến cáo không sàng lọc ung thư tuyến giáp đại trà trong cộng đồng trừ những đối tượng đã được nêu ở mục 1.1. Tuy nhiên, với chi phí sàng lọc ung thư tuyến giáp thấp , có thể thực hiện ở ngay tại địa phương . Vì vậy, lứa tuổi từ 30 – 50, nữ giới nên siêu âm kiểm tra tuyến giáp 6 – 12 tháng/ lần kể cả khi không có triệu chứng.

Đa số nhân tuyến giáp là lành tính nên việc phát hiện có nhân tuyến giáp bạn không nên căng thẳng, lo lắng quá. Khi siêu âm nghi ngờ bạn có thể đến các bệnh viện tuyến chuyên khoa để khám và tư vấn.

Một số các xét nghiệm chuyên sâu khác như: Chụp cắt lớp vi tính, Chụp cộng hưởng từ, Xạ hình tuyến giáp ... được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa sẽ giúp cho việc đánh giá tình trạng khối u, giai đoạn bệnh... ít có ý nghĩa sàng lọc chẩn đoán.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353