Tất cả thông tin bạn cần biết về tuyến giáp

Ngày đăng: 09-06-2020 09:42:03

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, đảm bảo hoạt động của cơ thể diễn ra bình thường. Đây cũng là tuyến dễ bị tổn thương, gây ra các bệnh thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ trên 30 tuổi. Bạn đã hiểu hết về tuyến giáp chưa?

1. Tuyến giáp là gì và có cấu tạo thế nào?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, có kích thước lớn nhất trong các tuyến nội tiết. Tuyến giáp thường có trọng lượng khoảng 20 – 25 gam, nằm ở trước cổ, tương đương vị trí đốt sống C5 – T1. Trước tuyến giáp là lớp cơ thịt cổ, phía sau là khí quản.

tuyến giáp

Tuyến giáp có hình dạng con bướm với cấu tạo cơ bản gồm 3 phần: Thùy trái, thùy phải và eo giáp. Hai thùy áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản, nối với nhau bởi eo giáp ở giữa. Tuyến giáp có màu nâu đỏ, bên ngoài có một lớp bao xơ bám vào sụn giáp. Khi nuốt, tuyến giáp di chuyển theo thanh quản.

2. Chức năng của tuyến giáp

Chức năng của tuyến giáp là sản xuất ra hai loại hormone Triiodothyronine (T3) và Thyroxin (T4). Khi cơ thể dung nạp thực phẩm có chứa Iod, tuyến giáp sẽ lấy nguồn nguyên liệu này, hoạt động và biến chúng thành hormone. Hormone T3 và T4 là 2 loại nội tiết quan trọng, có chức năng:

- Điều tiết hàm lượng canxi trong máu ở ngưỡng bình thường (1%) và điều tiết hàm lượng Photpho trong máu.

- Làm tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, gây giảm cân.

- Điều tiết hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa của phụ nữ đang cho con bú.

- Điều tiết hoạt động của hệ tuần hoàn, làm tăng nhịp tim, tăng lượng máu qua tim, tăng cường hô hấp để cung cấp oxy việc chuyển hóa các mô ở cơ quan.

- Làm tăng hoạt động của não bộ và hệ thần kinh, giúp thần kinh minh mẫn.

- Tác động mạnh đến sự tăng trưởng của các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não bộ.

chức năng tuyến giáp Chức năng tuyến giáp

3. Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết khá nhạy cảm, hoạt động rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Hiện nay, có 4 bệnh tuyến giáp thường gặp nhất gồm:

Suy giáp

Suy giáp là hiện tượng tuyến giáp hoạt động kém, không sản sinh ra đủ lượng hormone cơ thể cần mặc dù tuyến yên tiết ra đầy đủ lượng TSH (kích thích tuyến giáp sản xuất T3, T4). Người mắc bệnh suy giáp khi xét nghiệm máu sẽ thấy hormone T4 ở mức thấp trong khi TSH lại ở mức cao. Bệnh suy giáp thường phát sinh do nội tiết thay đổi, thiếu iod trong chế độ ăn uống hoặc do tác dụng phụ của phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp.

suy giáp

Đây là một bệnh có biểu hiện giống như mệt mỏi thông thường như: buồn ngủ, người không có sức, trí nhớ suy giảm, táo bón, bắp thịt nhức mỏi, khàn tiếng, da khô, bủng, mặt phù nhẹ,.... Sau từ 2 – 3 tháng bệnh tiến triển sẽ thấy các biểu hiện như: cơ thể trì trệ lười vận động, ăn không ngon, tóc khô và rụng nhiều. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân gặp tình trạng đột ngột hôn mê sâu. Kích thích tuyến giáp của bệnh nhân sẽ to lên, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất để điều trị bệnh suy giáp là sử dụng thuốc uống Thyroxin. Tùy vào tình trạng bệnh mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định liều lượng uống. Sau khoảng vài tuần, bệnh nhân có thể hồi phục. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc không vĩnh viễn, vì vậy người bệnh vẫn cần dùng thuốc thường xuyên.

Cường giáp

Cường giáp là một loại bệnh tự miễn, nguyên nhân đến từ việc các kháng thể tuyến giáp xuất hiện và lưu hành trong máu. Bệnh thường gặp nhất ở đối tượng là phụ nữ từ 30 – 50 tuổi, người dùng quá nhiều hàm lượng iod dẫn đến dư thừa, người mắc bướu cổ đa nhân, biến chứng của viêm tuyến giáp, viêm tuyến yên,...Bệnh cường giáp là một loại bệnh nội tiết phổ biến, chiếm từ 10 – 30 % bệnh lý tuyến giáp (tùy thuộc vào khu vực địa lý).

Bệnh cường giáp có một số biểu hiện như: Thân nhiệt của người bệnh tăng cao, luôn cảm thấy nóng bức khó chịu, ăn nhiều, nhanh đói nhưng cân nặng giảm, khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, dễ cáu gắt, tim đập nhanh, tiêu chảy, huyết áp tăng, dễ nổi nóng, tuyến giáp to lên hình thành bướu cổ có thể sờ thấy.

cường giáp

Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất điều trị cường giáp là sử dụng hormone ức chế T4 hoạt động quá mức của tuyến giáp. Thời gian điều trị bệnh kéo dài 1 – 2 năm với khả năng khỏi bệnh từ 30 – 50%. Số bệnh nhân còn lại sẽ tái phát bệnh sau khoảng 6 tháng ngưng thuốc và phải tiếp tục điều trị. Một số bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời.

Với bệnh nhân cao tuổi, phương pháp điều trị thường được chỉ định là sử dụng iod phóng xạ. Thuốc có tác dụng ức chế T4 hiệu quả nhưng lại dễ dẫn đến tác dụng phụ là suy giáp. Với các bệnh nhân dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp.

Bướu tuyến giáp lành tính

Dân gian thường gọi bệnh bướu tuyến giáp lành tính là bướu cổ. Đây là bệnh tuyến giáp gặp nhiều nhất, tuyến giáp to lên, nổi u cục, có thể nhận thấy dễ dàng bằng mắt thường. Khi xét nghiệm, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả chỉ số T3, T4, TSH ở ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, các cơ bao bọc tuyến giáp lại ngày càng lớn, chèn ép các cơ quan xung quanh như thanh quản, khí quản khiến bệnh nhân thấy ngột ngạt, khó chịu.

Có 3 kiểu bướu lành tuyến giáp thường gặp như:

- Bướu tuyến giáp to đều, không gây đau nhưng gây mất thẩm mỹ. Khi bướu quá to sẽ chèn ép các cơ quan khác khiến bệnh nhân khó nuốt, khó thở, ho. Với trường hợp này, bệnh nhân sẽ được cho uống Thyroxin để kích thước tuyến giáp nhỏ lại. Thường sau 3 – 6 tháng bệnh sẽ được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, với những trường hợp bướu quá to và tác dụng của thuốc chậm thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn. Nếu dùng thuốc thời gian dài mà không có kết quả thì bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật.

- Bướu tuyến giáp to, sờ vào lổn nhổn, bệnh nhân không có triệu chứng. Với loại bướu này không cần điều trị, bệnh sẽ tự khỏi.

- Bướu giáp chỉ to tròn lên một vị trí còn lại tuyến giáp vẫn hoạt động và có kích thước bình thường

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh nguy hiểm nhất của tuyến giáp, chiếm khoảng 2 % tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư. Khi mắc K giáp, bệnh nhân sẽ xuất hiện khối u ác tính. Khối u to lên nhanh chóng, có các hạch bất thường nổi lên xung quanh. Người bệnh có thể phát hiện sớm thông qua siêu âm và khám sức khỏe định kỳ. Mặc dù là ung thư nhưng bệnh lại có khả năng tiên lượng tốt, thời gian sống của bệnh nhân dài.

Bệnh ung thư tuyến giáp có các biểu hiện như: Người bệnh chịu nóng kém, ra nhiều mồ hôi, tâm trạng căng thẳng, mất ngủ, ăn nhiều nhưng cân nặng giảm, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, hồi hộp..... Khi mắc ung thư tuyến giáp, tùy vào loại ung thư và tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau như: phẫu thuật tuyến giáp, hóa trị, xạ trị, chạy điện hay cho bệnh nhân dùng thuốc....

Có thể nói tuyến giáp giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động sống của cơ thể. Để đảm bảo tuyến giáp luôn khỏe mạnh, bạn hãy khám sức khỏe thường xuyên từ 1 – 2 lần/ năm tại các cơ sở uy tín. Đây là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353