Chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp

Ngày đăng: 25-04-2020 20:21:08

Khi mắc ung thư tuyến giáp, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp do bác sĩ tư vấn để phục vụ việc chữa bệnh tốt nhất. Đặc biệt, có những loại thực phẩm người bệnh tuyệt đối không được ăn. Dưới đây là hướng dẫn về chế độ đặc biệt dành cho bệnh nhân K giáp.

Ung thư tuyến giáp là một bệnh ung thư nội tiết, có tỷ lệ ngày càng gia tăng ở cả nam và nữ. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. K giáp có nguyên nhân từ việc tế bào trong tuyến giáp bị rối loạn trong quá trình phân chia tế bào, dần dần gây ra khối u ác tính. Một số yếu tố bên ngoài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phải kể đến như: ảnh hưởng phóng xạ, ảnh hưởng từ môi trường sống, ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt,...

Muốn kiểm soát bệnh ung thư tuyến giáp cần can thiệp bằng các biện pháp nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (phẫu thuật), xạ trị, hóa trị.... Nếu để bệnh tiến triển xấu, không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị di căn. Trong quá trình điều trị K giáp, người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là 3 chế độ ăn cho người mắc ung thư tuyến giáp thông dụng nhất:

1. Chế độ ăn cho bệnh nhân điều trị ung thư tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp. Tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định cắt bỏ một phần hay hoàn toàn tuyến giáp. Khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh cần chú ý một số điều trong chế độ ăn uống như sau:

Chuẩn bị phẫu thuật

- Trong khoảng thời gian 8 – 10 tiếng trước khi thực hiện phẫu thuật cắt tuyến giáp, người bệnh cần hạn chế ăn uống, uống nhiều nước để đào thải hết các chất cặn bã trong ruột.

- Trước phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc và chất gây mê. Thời gian này cần hạn chế nôn để tránh làm mất tác dụng của thuốc.

- Một ngày trước khi làm phẫu thuật nên ăn nhệ, lựa chọn loại thức ăn mềm, ít chất xơ, bữa tối ăn sớm và chỉ ăn lượng nhỏ.

- Bữa sáng trước hôm phẫu thuật bệnh nhân bắt buộc phải nhịn ăn, nhịn uống

Từ 24h – 48h sau khi phẫu thuật K giáp

- Sau khi bệnh nhân tỉnh thuốc mê, có thể cho bệnh nhân ăn ngay nhưng chỉ cho ăn ít.

- Ưu tiên sử dụng thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt.

2. Chế độ ăn cho bệnh nhân K giáp có nguy cơ suy giáp

Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, có khá nhiều bệnh nhân gặp phải biến chứng suy giáp do hoạt động của tuyến giáp không cung cấp đủ lượng hormon cần thiết. Chế độ ăn thông thường lúc này không còn đảm bảo được lượng Iod để tuyến giáp chuyển hóa thành hormon phục vụ hoạt động sống của cơ thể. Do đó, người bệnh cần có một chế độ ăn đặc biệt hơn nhằm điều hòa hoạt động tuyến giáp. Các thực phẩm được khuyên dùng gồm:

- Các loại thực phẩm chứa hàm lượng Iod cao như: hải sản, rau có màu xanh đậm, rong biển, muối Iod.

- Bổ sung hàm lượng canxi từ các thực phẩm như sữa, trứng, hạt mè, rau cần, cua, tôm,...

- Bổ sung các loại thực phẩm có chứa hàm lượng Omega 3 và Omega 6 cao như: các loại cá đặc biệt là cá hồi, các cơm, cá trích, hạt bí, hạt hướng dương, hạt óc chó,...

- Bổ sung thực phẩm có hàm lượng vi chất Selen cao như: thịt gà, tôm, cá, các loại nấm, lúa mạch,...

- Bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua hoa quả, rau xanh và nước ép.

hoa qua xanh

3. Kiêng gì khi điều trị ung thư tuyến giáp?

Bên cạnh những loại thực phẩm được khuyên dùng, bệnh nhân điều trị K giáp cũng cần lưu ý đến các thực phẩm tối kỵ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh như:

- Các sản phẩm từ đậu nành không lên men như sữa đậu nành, đậu hũ, quả đậu tương,...Trong đậu nành không lên men có chứa chất cản trở hoạt động tiết hormon của tuyến giáp. Tuy nhiên, với đậu nành lên men như tương chẳng hạn, lại rất tốt cho người bệnh.

- Các loại rau họ cải như cải xoăn, củ cải, cải thìa, cải canh,... Trong rau họ cải có chứa hàm lượng cao Isothiocyanates cản trở hoạt động của tuyến yên, gây ảnh hưởng đến tuyến giáp. Để giảm bớt hàm lượng chất này, bạn nên luộc hoặc xào rau thay vì ăn sống.

- Tránh xa các loại đồ ăn được chế biến sẵn bởi trong loại thức ăn này có chứa hàm lượng cao chất béo no, calo rỗng, chất phụ gia,... Các chất này sẽ khiến quá trình sản xuất Thyroxin của tuyến giáp bị giảm sút.

- Nội tạng động vật như gan, tim, cật,... Mặc dù đây được coi là các loại thực phẩm đại bổ nhưng chúng lại chứa hàm lượng cao acid béo no, acid lipoic ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị ung thư tuyến giáp.

- Tránh ăn đồ ăn chứa hàm lượng đường và chất xơ cao. Mặc dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng nếu ăn quá nhiều chất xơ sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị bệnh. Người bệnh cần ăn với hàm lượng hợp lý, không nhất thiết phải loại bỏ chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày. Sau khi điều trị K giáp người bệnh cũng hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều đường bởi tuyến giáp không còn hoạt động tốt như trước, khi ăn nhiều đường sẽ dễ gây tăng cân, béo phì.

kieng ăn

4. Một số lưu ý khác cần nhớ

Người bệnh cần lưu ý một số vấn đề khác trong ăn uống như sau:

- Trong quá trình điều trị bệnh cũng như sau khi điều trị K giáp, người bệnh cần hỏi thật kỹ bác sĩ điều trị về các loại thực phẩm nên và không nên ăn. Thực phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị bệnh, vì vậy cần hết sức lưu ý.

- Tuyệt đối không dùng sữa để uống thuốc điều trị ung thư tuyến giáp bởi canxi trong sữa sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc. Tốt nhất nên uống thuốc với nước lọc. Nếu bạn đang điều trị bệnh khác đồng thời với K giáp mà cần dùng thuốc canxi, tuyệt đối không được uống chung. Thời gian uống nên cách xa nhau ít nhất 2 tiếng để đảm bảo công hiệu của cả 2 loại thuốc.

- Không nên sử dụng cà phê hoặc các loại đồ uống có chứa caffeine khác trong quá trình chữa bệnh. Chất caffeine sẽ kích thích tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ của thuốc.

- Để thuốc điều trị tuyến giáp phát huy hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên uống vào buổi sáng trước khi ăn khoảng 1 tiếng.

Trên đây là chế độ ăn uống cho người bệnh mắc ung thư tuyến giáp. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về bệnh K giáp cũng như các bệnh tuyến giáp khác, người bệnh hãy liên hệ đến đường dây nóng của Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội theo số: 0243 855 2353

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353